Trung Quốc giành lại vị trí là nước dẫn đầu về nhập khẩu lúa mỳ của Australia

08:06' - 15/09/2022
BNEWS Bất chấp căng thẳng thương mại chưa được hóa giải, Trung Quốc đã giành lại vị trí là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất của Australia.

Bất chấp căng thẳng thương mại chưa được hóa giải, Trung Quốc đã giành lại vị trí là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất của Australia, với khoảng 6,3 triệu tấn được nhập từ đầu năm đến hết ngày 30/9, vượt xa nước đứng ở vị trí thứ hai là Indonesia với 3,7 triệu tấn.

Cảng hàng hóa Khâm Châu, Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Các nguồn tin của Australia cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, kim ngạch xuất khẩu lúa mỳ của Australia sang Trung Quốc tăng 2,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, hay 186%, đưa nước này từ vị trí là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn thứ ba của Australia, sau Indonesia và Việt Nam, trở lại vị trí dẫn đầu, sau khi Australia có vụ thu hoạch lúa mỳ kỷ lục trong mùa vụ 2021-2022.
 

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến nguồn cung lúa mỳ toàn cầu trở nên khan hiếm, trong khi Trung Quốc lại bị ảnh hưởng bởi hạn hán, khiến mùa màng thất bát.

 Bên cạnh đó, lúa mỳ của Nga có hàm lượng protein tương tự như lúa mỳ của Trung Quốc, không được ưa chuộng bằng lúa mỳ của Australia có hàm lượng protein trung bình, phù hợp để làm nguyên liệu cho các loại bánh truyền thống và thực phẩm chế biến của người dân Trung Quốc, cũng như một số loại thức ăn chăn nuôi khác.

Cơ quan Kinh tế, Khoa học tài nguyên và Môi trường Australia dự báo các trang trại của Australia sẽ thu hoạch được 32,2 triệu tấn lúa mỳ trong vụ mùa 2022-2023, thấp hơn không đáng kể so với con số kỷ lục của vụ mùa 2021-2022, và 12,3 triệu tấn lúa mạch, cùng mức kỷ lục 6,6 triệu tấn hạt cải dầu.

Nhà nông nghiệp lớn nhất bang Tây Australia Mark Fowler nhận định Australia sở hữu nguồn cung lúa mỳ và lúa mạch chất lượng cao dồi dào nhất trên thị trường thế giới.

Sẽ rất khó để các quốc gia khác có thể tìm được nhà cung cấp thích hợp hơn so với Australia vào thời điểm hiện tại, đặc biệt là thị trường châu Á, vốn có lợi thế về khoảng cách địa lý và khả năng chuyên chở.

Năm 2018, Trung Quốc bất ngờ áp thuế hơn 80% đối với lúa mạch của Australia, sau đó liên tiếp là các lệnh cấm và hạn chế khác đối với nông sản của “Xứ sở chuột túi” như thịt bò, rượu vang, tôm hùm, gỗ, sợi bông…

Chính phủ Australia và ngành công nghiệp đã đệ đơn khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng cường quốc châu Á áp thuế quan không hợp lý với lúa mạch và rượu vang của Australia. Dự kiến, vụ tranh chấp về lúa mạch giữa hai nước sẽ được Ban hội thẩm của WTO ra phán quyết cuối cùng vào đầu năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục