Trung Quốc kiểm soát chặt, thị trường tiền số đối mặt với nhiều áp lực

14:52' - 22/06/2021
BNEWS Các đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã có một phiên chao đảo trong ngày 21/6 sau khi Trung Quốc tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với hoạt động “đào” tiền số.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) ngày 21/6 cho rằng “các hoạt động giao dịch tiền ảo đang gây gián đoạn trật tự kinh tế và tài chính bình thường, gây ra nguy cơ chuyển tiền xuyên biên giới trái phép, rửa tiền, các hành vi tội phạm và hoạt động phi pháp khác, cũng như xâm phạm nghiêm trọng sự an toàn tài sản của người dân”.

Tuyên bố trên của PBoC được đưa ra một ngày sau khi chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã ra lệnh đóng cửa 26 mỏ "đào" tiền ảo và yêu cầu các công ty năng lượng không được cung cấp điện cho các cơ sở này.

Sau những động thái này, giá đồng bitcoin giảm gần 11% trong phiên sáng 21/6 trước khi thu hẹp đà giảm sau đó. Đồng ether cũng giảm 13%, trong khi đồng dogecoin giảm khoảng 25%.

Giới chuyên gia cho rằng những diễn biến trên cho thấy tầm ảnh hưởng của chính phủ các nước lớn, như Trung Quốc và Mỹ, đối với giá bitcoin và các đồng tiền số khác.

Các cơ quan quản lý đang phát đi những tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục ban hành nhiều quy định hơn trong lĩnh vực tiền số, trong đó có các quy định mới nghiêm ngặt hơn về chống rửa tiền và buộc các ngân hàng và sàn giao dịch phải có được thông tin về danh tính và địa chỉ của khách hàng.

Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) Gary Gensler đã nhiều lần thảo luận về sự cần thiết phải quản lý nghiêm ngặt hơn các sàn giao dịch tiền ảo để bảo vệ nhà đầu tư. Ông cho rằng nhiều đồng tiền kỹ thuật số hiện đang được giao dịch trên các sàn là các chứng khoán không đăng ký, vốn chịu sự quản lý của SEC.

Sarah Brennan, một luật sư của công ty luật Harter Secrest & Emery, cho biết sự kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với các công ty tiền số bán các loại chứng khoán không đăng ký là một nguy cơ lớn đối với các nhà đầu tư.

Giới chuyên gia cho rằng những quy định về stablecoin có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường tiền kỹ thuật số nói chung. Stablecoin (đồng tiền ổn định) là một đồng tiền kỹ thuật số phát triển trên nền tảng blockchain và có giá trị ổn định, giá của stablecoin được neo vào một tài sản ổn định khác như vàng hay tiền pháp định như USD hay euro.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển của những stablecoin như tether, USD Coin, và DAI, sẽ đặt ra những nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính, đặc biệt là sau khi lộ ra thông tin rằng một số token được neo với đồng USD này lại không được hỗ trợ bởi đồng USD thực sự, mà bởi một loạt các tài sản rủi ro hơn.

Tháng Hai vừa qua, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đã cấm sử dụng đồng tether và một sàn giao dịch tiền ảo có liên quan là Bitfinex tại bang này.

Tim Swanson, người sáng lập công ty tư vấn công nghệ Frim Post Oak, cho rằng stablecoin là những vật “ký sinh” vì chúng hoạt động giống như “những trung gian tài chính phi ngân hàng cung cấp các dịch vụ tương tự như các ngân hàng thương mại truyền thống, nhưng lại nằm ngoài phạm vi quản lý bình thường của lĩnh vực ngân hàng”.

Đặc điểm này không chỉ đặt những người nắm giữ stablecoin trước nhiều nguy cơ mà còn có khả năng đe dọa sự ổn định tài chính nói chung, nếu một đợt bán tháo xảy ra với một stablecoin nào đó khiến giá đồng tiền này và các đồng tiền số khác giảm mạnh.

Trước thực tế rằng hơn 70% hoạt động giao dịch bitcoin được thực hiện bằng đồng tether, thì một đợt giảm giá như vậy cũng có thể gây gián đoạn thị trường đối với bitcoin và nhiều đồng tiền số phổ biến khác, theo công ty dịch vụ tiền số FlowBank.

Luật sư Brennan cho biết hiện vẫn chưa rõ cơ quan quản lý nào sẽ đứng ra giải quyết những vấn đề trên, trong khi các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang, các cơ quan quản lý chứng khoán và các cơ quan quản lý khác đều có những quy định chồng chéo về tiền kỹ thuật số.

Tình hình này còn phức tạp hơn khi Tổng thống Joe Biden vẫn chưa chỉ định người điều hành Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục