Trung Quốc: Lượng điện thoại thông minh xuất xưởng giảm 11% trong quý III/2022

11:30' - 28/10/2022
BNEWS Công ty nghiên cứu thị trường Canalys công bố hôm 27/10 cho hay, lượng điện thoại thông minh (smartphone) xuất xưởng tại Trung Quốc trong quý III/2022 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giảm trên được cho là do tình trạng hạ nhiệt tăng trưởng của nền kinh tế này đang ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Theo báo cáo, các thương hiệu đã xuất đi tổng cộng 70 triệu điện thoại thông minh cho người bán trong giai đoạn trên, giảm so với mức 78,9 triệu điện thoại thông minh của cùng kỳ năm ngoái.

Vivo, thuộc sở hữu của tập đoàn BBK có trụ sở tại Thâm Quyến, là thương hiệu đứng đầu trong quý III với lượng xuất xưởng 14,1 triệu thiết bị và chiếm 20% thị phần. Song ba thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc – gồm vivo, OPPO và Honor - có lượng điện thoại xuất xưởng lần lượt giảm 23%, 27% và 16% trong quý kết thúc vào tháng Chín.

Xiaomi Corp - thương hiệu bán chạy thứ năm – cũng ghi nhận lượng điện thoại xuất xưởng giảm 17%.

Apple Inc là thương hiệu duy nhất đi ngược xu hướng với lượng điện thoại xuất đi tăng 36% lên 11,3 triệu chiếc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mức tăng trên chủ yếu do nhu cầu đối với mẫu iPhone 14 Pro tăng trong khi nhu cầu đối với mẫu iPhone 14 cơ bản đã yếu đi. Hiện Apple là thương hiệu điện thoại bán chạy thứ tư tại Trung Quốc, với 13% thị phần.

Nhà phân tích Amber Liu của Canalys nhận định Apple không hẳn tách biệt khỏi tình trạng nhu cầu yếu đi của người tiêu dùng Trung Quốc, lưu ý rằng “Trái táo khuyết” đã liên tục mạnh tay đưa ra ưu đãi cho các thiết bị đời cũ hơn nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh từ các đối thủ khác.

Xu hướng suy giảm tiếp tục kéo dài đối với lĩnh vực smartphone, vốn phải đối mặt với một loạt thách thức trong những năm gần đây từ sự thiếu hụt chip toàn cầu, tác động kinh tế của chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc và việc người tiêu dùng kéo dài chu kỳ nâng cấp điện thoại.

Nhà phân tích Toby Zhu của Canalys viết trong báo cáo các nhà cung cấp đã phải chịu đựng tình trạng nhu cầu giảm nhanh chóng và lượng hàng tồn kho cao trong những quý vừa qua. Điều này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào chuỗi cung ứng tổng thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục