Trung Quốc “nhuộm đỏ” các sàn chứng khoán toàn cầu trong tuần đầu Năm mới

14:51' - 09/01/2016
BNEWS Tuần mở đầu năm 2016 đã chứng kiến một làn sóng tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư trên toàn thế giới, khởi phát từ các sàn chứng khoán Trung Quốc.
Trung Quốc “nhuộm đỏ” các sàn chứng khoán toàn cầu trong tuần đầu Năm mới. Ảnh: Reuters.

Màu đỏ đã gần như bao phủ trong suốt các phiên trong tuần trên các thị trường toàn cầu, trong đó riêng tại Trung Quốc, chỉ trong vòng bốn ngày đầu tuần, giao dịch trên thị trường đã có tới hai lần bị buộc phải ngừng sớm theo cơ chế "tự động ngừng giao dịch".

Ngay từ phiên đầu tuần (4/1) chào Xuân mới, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải nếm trải sóng gió và buộc phải đóng cửa sớm do cổ phiếu bất ngờ lao dốc hơn 7%, khiến hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến phải ngừng các hoạt động giao dịch. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường chứng khoán Trung Quốc áp dụng cơ chế mới nói trên.

Cơn bán tháo cổ phiếu từ Trung Quốc đã ngay lập tức lan sang các thị trường châu Âu và Mỹ trong cùng ngày khi các nhà đầu tư quá quan ngại về những diễn biến bất ổn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và tình hình căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.

Các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã ổn định hơn trong phiên tiếp theo (5/1), sau khi Chính phủ Trung Quốc bơm tiền vào thị trường tiền tệ, nhằm xoa dịu những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, hai thị trường Thượng Hải và Hong Kong vẫn tiếp tục đi xuống phiên thứ hai liên tiếp, bất chấp việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bơm 130 tỷ NDT (20 tỷ USD) vào thị trường và các quỹ do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát gia tăng mua vào cổ phiếu.

Phiên thứ ba trong tuần (6/1), Phố Wall đỏ sàn trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và thông tin CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất các bước thử nghiệm bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á vẫn giảm điểm trong phiên này thì chứng khoán Trung Quốc lại phục hồi.

Phiên 7/1 lại một lần nữa chứng kiến chứng khoán Trung Quốc có thêm một phiên đóng cửa sớm khi chỉ sau ít phút mở cửa thị trường, nhà đầu tư đã đồng loạt “xuống tay” bán tống cổ phiếu, khiến hoạt động giao dịch phải tạm ngừng 15 phút theo cơ chế “tự ngắt".

Khi được kích hoạt trở lại, các chỉ số chủ chốt Shanghai Composite và Shenzhen Composite vẫn tiếp tục lao dốc, buộc thị trường phải đóng cửa sớm trong phiên này. Đây cũng là lần thứ hai trong bốn phiên, chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm.

Nguyên nhân được cho là một phần do PBoC đã quyết định giảm giá đồng NDT so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011. Đây cũng là đợt hạ giá đồng NDT ở mức mạnh nhất kể từ sau đợt phá giá sốc gây rối loạn thị trường toàn cầu hồi tháng 8/2015.

Tiếp nối phiên “sập sàn” sớm thứ hai này của chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng lao dốc theo trong phiên cùng ngày.

Sang phiên cuối tuần 8/1, chứng khoán thế giới phân hóa trái chiều: trong khi chứng khoán Trung Quốc tăng gần 2% sau khi Bắc Kinh quyết định tạm ngừng cơ chế “tự ngắt” giao dịch (đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong suốt tuần qua), thì chứng khoán châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục bị “đo ván”, bất chấp báo cáo tích cực về thị trường việc làm Mỹ được công bố trong ngày.

Theo báo cáo công bố ngày 8/1 của Bộ Lao Động Mỹ, trong tháng 12/2015, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 292.000 việc làm, tốt hơn kỳ vọng khá nhiều. Tuy nhiên, con số tích cực này đã không cứu nổi Phố Wall và đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 1,02% xuống chốt tuần ở 16.346,45 điểm; S&P 500 giảm 1,08% xuống 1.922,03 điểm và Nasdaq Composite lùi 0,98% về 4.643,63 điểm.

Nhìn chung, phần lớn các thị trường chủ chốt đều ghi nhận đây là tuần giao dịch chào Năm mới khá tồi tệ.

Tính chung cả tuần, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm gần 10%; Dow Jones và S&P 500 của Mỹ mất khoảng 6,0%; Nikkei 225 của Nhật Bản mất 7%; FTSE-100 của Anh mất 5,3%; CAC 40 của Pháp tụt 6,5%; và DAX 30 của Đức “bốc hơi” 8,3%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục