Trung Quốc nỗ lực phục hưng kinh tế vùng Đông Bắc

06:30' - 18/10/2017
BNEWS Kinh tế của ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, tụt hậu đáng kể so với các tỉnh phía Nam và ven biển, nơi chính sách mở cửa và cải cách thị trường đã tạo ra những phép lạ về kinh tế.
Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết về vùng Đông Bắc Trung Quốc, lịch sử gọi là Mãn Châu, bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, là cái nôi của ngành công nghiệp nặng sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Đây cũng là một trong những vùng nông nghiệp lớn của Trung Quốc.

Một nhóm học giả nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh do cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Justin Yifu Lin đứng đầu, tháng 8 vừa qua đã công bố một báo cáo, trong đó lập ra một kế hoạch tái cơ cấu và thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Cát Lâm. Theo bản báo cáo, vùng Đông Bắc Trung Quốc không nên chỉ mở rộng các ngành công nghiệp.

Bản báo cáo đã đề xuất những lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh Cát Lâm cần tập trung, như nông nghiệp quy mô lớn, chăm sóc sức khỏe, các ngành công nghiệp nhẹ hiện đại và dệt may, máy móc và thiết bị hiện đại, cũng như cụm công nghệ mới bao gồm năng lượng mới, vật liệu mới và công nghệ thông tin mới.

Các ngành công nghiệp nhẹ hiện đại và dệt may nói riêng đã được xác định là những yếu tố còn thiếu trong nền kinh tế và có thể bổ sung cho ngành công nghiệp máy móc thiết bị hiện nay của tỉnh Cát Lâm.

Ông Sun Jianbo, trưởng bộ phận chiến lược tại công ty chứng khoán China Galaxy Securities, cho rằng đề xuất của ông Lin phát triển ngành công nghiệp nhẹ chẳng khác nào đẩy Cát Lâm vào “hố lửa”, vì tỉnh này thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản và không thể cạnh tranh với các khu vực ven biển của Trung Quốc - nơi các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ đang hoạt động hiệu quả. Nhiều nhà quan sát khác nghi ngờ về đề xuất của ông Lin.

Nhóm học giả của ông Lin đã phản đối và cho rằng “công nghiệp nhẹ” được đề cập trong báo cáo này không phải là sản xuất dệt may truyền thống và công nghiệp nhẹ, mà là một phiên bản hiện đại dựa trên thiết bị điện tử tiêu dùng và sản xuất thiết bị gia dụng với các công nghệ cao được nâng cấp.

Theo nhóm học giả, cải cách sẽ được thực hiện dựa trên sự tôn trọng đối với thị trường chứ không phải do chính quyền quyết định.

Nhưng câu trả lời của nhóm học giả đã bỏ lỡ điểm quan trọng: cuộc tranh luận không nên tập trung vào việc liệu Cát Lâm nên phát triển công nghiệp nhẹ hay không, và liệu các chính quyền địa phương có thể thay đổi tư duy kế hoạch kinh tế của họ để ủng hộ cho một hệ thống kinh tế định hướng thị trường hay không.

Trong nhiều năm qua, vùng Đông Bắc Trung Quốc đã không thể thu hút đầu tư vì nó được biết đến là một khu vực nơi các chính quyền địa phương thường xuyên can thiệp vào hoạt động thị trường.

Vụ phá sản của tập đoàn thép Dongbei Special Steel ở tỉnh Liêu Ninh gần đây là một ví dụ điển hình. Trong giai đoạn tái cơ cấu quá trình phá sản, các quan chức chính quyền địa phương đã can thiệp mạnh tay, thậm chí thao túng cả quá trình tư pháp.

Họ đã không phối hợp chặt chẽ với các chủ nợ ngân hàng quốc gia và không muốn tiết lộ thông tin, bao gồm một số thông tin quan trọng theo quy định của nhà nước và pháp luật.

Cho dù động thái này là nhằm tạm thời duy trì ổn định kinh tế xã hội bằng cách tránh sa thải một số lượng lớn công nhân, nhưng chính quyền địa phương đã trả một giá đắt - trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt.

Để cải thiện môi trường đầu tư thông qua những thay đổi mang tính hệ thống, các chính quyền địa phương cần phải thận trọng trong động thái và lời nói của mình. Trong một nền kinh tế thị trường, chính phủ không còn có thể giới thiệu đầu tư bằng sắc lệnh hành chính - một động thái có thể xua đuổi các doanh nghiệp tìm kiếm đầu tư.

Khẩu hiệu “Phục hưng vùng Đông Bắc Trung Quốc” đã diễn ra hơn một thập kỷ kể từ khi giới lãnh đạo thời đó đưa ra ý tưởng này vào năm 2004. Nhiều tài liệu chính phủ liên quan đến ý tưởng này đã được ban hành sau đó. Nhưng nền kinh tế của khu vực vẫn trì trệ, thậm chí tăng trưởng sụt giảm mạnh hơn kể từ năm 2014.

Nhìn bề ngoài, có vẻ vấn đề nằm ở chỗ phạm vi hạn chế về tiềm năng công nghiệp của vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng như sự di cư lớn của lao động trong vùng. Nhưng thực chất là do hệ thống bị phá vỡ bởi môi trường doanh nghiệp nghèo nàn và sự can thiệp hành chính không thể đoán trước của chính quyền.

Do đó, các chính quyền địa phương ở vùng Đông Bắc Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách của chính phủ trung ương nhằm xác định lại vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường, bao gồm loại bỏ một số kiểm soát hành chính và cho phép thị trường có tiếng nói lớn hơn.

Một số học giả đã đề xuất thiết lập một đặc khu kinh tế ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, nhưng một đặc khu kinh tế cần chính quyền địa phương giảm bớt các gánh nặng mang tính hệ thống để nó có thể cất cánh.

Vấn đề hệ thống là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nhiều thay đổi cần phải được thực hiện để làm cho các lực lượng thị trường hiệu quả hơn.

Các chính quyền địa phương phải nói rõ họ có thể và không thể làm những gì để khu vực này có thể phát triển các ngành công nghiệp tốt hơn phù hợp với cơ sở tài nguyên và lợi thế so sánh của mình, để từ đó tìm kiếm động lực thúc đẩy tăng trưởng của vùng Đông Bắc Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục