Trung Quốc: Sản xuất phục hồi nhưng với tốc độ chậm

13:03' - 31/05/2020
BNEWS Tháng Năm ghi nhận đà phục hồi sản xuất tại Trung Quốc tháng thứ ba liên tiếp với nhiều công ty mở cửa hoạt động trở lại sau khi các biện pháp nghiêm ngặt ngăn chặn đại dịch COVID-19 được nới lỏng.

Tháng Năm ghi nhận đà phục hồi sản xuất tại Trung Quốc nối dài sang tháng thứ ba liên tiếp với nhiều công ty mở cửa hoạt động trở lại sau khi các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch COVID-19 được nới lỏng.

Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/5, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng 5/2020 đạt mức 50,6. Mặc dù con số này thấp hơn so với mức 50,8 của tháng Tư, song vẫn trên mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.

Tốc độ mở rộng hoạt động sản xuất còn chậm do nhu cầu ảm đạm. Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu thu hẹp với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm, đứng ở mức 35,3 trong tháng Năm, thấp hơn nhiều so với mốc 50.

Tuy nhiên, chỉ số đơn hàng mới tăng từ 50,2 trong tháng Tư lên 50,9 trong tháng Năm, cho thấy triển vọng cải thiện nhu cầu trong nước.

Zhao Qinghe, một quan chức của NBS, cho biết đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế trên toàn cầu đều đang diễn biến nghiêm trọng và phức tạp, dẫn đến nhu cầu từ nước ngoài tiếp tục giảm (trong tháng Năm).

Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã khiến kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ mất vài tháng để khôi phục hoạt động chế tạo trở lại mức trước khủng hoảng, ngay cả khi nước này có thể tránh để xảy ra một làn sóng COVID-19 mới bùng phát.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhiều nhà sản xuất đang gặp nhiều khó khăn do các đơn đặt hàng ở nước ngoài bị giảm mạnh hoặc bị hủy trong bối cảnh biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái.

Nhu cầu trong nước vẫn còn yếu do tình trạng mất việc làm gia tăng và tâm lý người tiêu dùng lo lắng về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Trước triển vọng không chắc chắn của năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã không đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020.

Bắc Kinh cũng công bố các biện pháp tài chính bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế, với giá trị tương đương khoảng 4,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, theo tính toán của Reuters. Đây sẽ là gói kích thích lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Tăng cường chi tiêu, đặc biệt là cho cơ sở hạ tầng, dự kiến sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất chế tạo trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục