Trung Quốc sẽ chớp cơ hội gây sức ép trên bàn đàm phán thương mại với Mỹ?

06:30' - 14/01/2020
BNEWS Có nhận định cho rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sẽ làm gia tăng khó khăn phức tạp cho việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.
Quốc kỳ Mỹ (phải) và quốc kỳ Trung Quốc tại một vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Sau sự kiện Mỹ sử dụng máy bay không người lái tiêu diệt Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, căng thẳng giữa Washington và Tehran đã leo thang lên cấp độ mới.

Các nhà quan sát lo ngại hành động này sẽ khiến Mỹ lún sâu vào "vũng lầy" Trung Đông, không còn đủ tâm sức để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, giúp Trung Quốc nhẹ bớt áp lực và đẩy Iran ngày càng ngả về phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sẽ làm gia tăng khó khăn phức tạp cho việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Một ngày sau khi Mỹ phóng tên lửa từ máy bay không người lái hạ sát Tướng Soleimani, vào hôm 4/1, website của tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đăng bài bình luận với tiêu đề "Xung đột Mỹ-Iran có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách châu Á của Tổng thống Trump?".

Theo bài báo, cái chết của Tướng Soleimani khiến dư luận đặt câu hỏi rằng liệu ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng có chuyển trọng tâm chú ý từ châu Á và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sang khu vực Trung Đông.

Từ thời cựu Tổng thống George Bush tới nay, các đời Tổng thống Mỹ đều đối mặt một vấn đề nan giải là việc làm thế nào để cân bằng lợi ích giữa khu vực Trung Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Là một siêu cường, lợi ích của Mỹ trải khắp toàn cầu, bao gồm cả khu vực Trung Đông, nhưng cùng với sự gia tăng không ngừng về sức ảnh hưởng của châu Á, vị trí của châu Á trong chính sách ngoại giao của Mỹ cũng không ngừng được nâng lên.

Nhiều nhà bình luận Trung Quốc tin rằng do Mỹ bị cuốn vào Chiến tranh Iraq và Chiến tranh Afghanistan, Trung Quốc đã có được một thập kỷ hoàng kim để phát triển. Những nhà bình luận này đều coi sự kiện 11/9/2001 là một bước ngoặt trong thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc.

Quả thực, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2000, ông George Bush đã gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Sau khi nhậm chức, ông Bush còn hứa sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy nhiên, sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố do Chính quyền cựu Tổng thống Bush phát động và cựu Tổng thống Bush cũng ý thức được rằng Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng trên phương diện an ninh quốc gia của Mỹ và không còn coi Trung Quốc là đối thủ nữa.

Sau khi sự kiện Soleimani xảy ra, tờ Thời báo Hindustan của Ấn Độ cho rằng Trung Quốc một lần nữa lại có không gian phát triển.

Nguyên nhân là do vấn đề Iran sẽ khiến Chính quyền Tổng thống Trump không thể thực thi một cách trọn vẹn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, giúp Trung Quốc giảm nhẹ áp lực từ Mỹ.

Giám đốc Chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser cũng tin rằng nếu chiến tranh giữa Mỹ và Iran bùng nổ, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu cao cấp Robert D. Kaplan thuộc Trung tâm An ninh New American cảnh báo đối thủ của Mỹ ở Trung Đông không phải là Iran, mà là Trung Quốc.

Điều đáng chú ý khác liên quan tới quan hệ Mỹ-Trung sau sự kiện Soleimani là nhận định của tờ Thời báo Hoàn Cầu. Trong phiên bản tiếng Anh, phụ trương thuộc tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) này cho rằng Mỹ và Trung Quốc không nên vội vàng đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Thời báo Hoàn Cầu còn chỉ rõ xung đột Mỹ-Iran leo thang làm tăng thêm nhân tố phức tạp cho thỏa thuận thương mại giai đoạn một và thời điểm ký kết thỏa thuận vẫn chưa được xác định.

Tuy nhiên, theo kênh tin tức CNBC của Mỹ, cho dù Trung Quốc và Iran có quan hệ mật thiết, cái chết của Tướng Soleimani chỉ có ảnh hưởng tương đối hữu hạn đối với quan hệ Mỹ-Trung, thậm chí là đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Theo tờ Economic Journal, cũng có nhà quan sát cho rằng do áp lực tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc có nhu cầu thực tế trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, nỗ lực ngăn chặn chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục