Trung Quốc sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng xanh toàn cầu đến năm 2030

15:20' - 09/10/2024
BNEWS Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần 60% tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên toàn thế giới từ nay đến năm 2030.

Báo cáo về năng lượng tái tạo của IEA cho thấy, trong vòng 6 năm tới, các dự án năng lượng tái tạo sẽ được triển khai với tốc độ gấp ba lần so với 6 năm trước, dẫn đầu là các chương trình năng lượng sạch của Trung Quốc và Ấn Độ.

IEA nhận định, công suất năng lượng tái tạo của thế giới đang trên đà vượt mục tiêu năm 2030 mà các chính phủ đề ra, gần tương đương với tổng công suất hệ thống điện của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Mỹ cộng lại.

 

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, dự báo rằng đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ sở hữu hơn một nửa năng lượng tái tạo của thế giới. Sự bùng nổ năng lượng Mặt Trời được cho là đã khiến kế hoạch phát triển điện than của Trung Quốc chậm lại. Theo Global Energy Monitor, trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ cấp phép cho 12 dự án điện than mới với tổng công suất 9,1 GW, giảm mạnh so với 100 GW trong năm 2022 và 2023.

Báo cáo của IEA cũng cho thấy, năng lượng Mặt Trời sẽ chiếm 80% tổng công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trên toàn cầu vào năm 2030. IEA dự báo quá trình triển khai năng lượng Mặt Trời sẽ còn tăng tốc do chi phí giảm và chính sách hỗ trợ của các nước, cho phép người dân và doanh nghiệp đầu tư vào tấm pin Mặt Trời để giảm hóa đơn tiền điện.

Phong điện cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng và chi phí về chuỗi cung ứng cao, đặc biệt là đối với các trang trại điện gió ngoài khơi, thường cần nhiều vốn đầu tư. IEA dự báo tốc độ tăng trưởng phong điện toàn cầu giai đoạn 2024-2030 sẽ tăng gấp đôi so với 6 năm trước.

Sự bùng nổ năng lượng xanh trên toàn cầu đồng nghĩa với việc năng lượng tái tạo đang trên đà tăng trưởng gấp 2,7 lần vào năm 2030, vượt gần 25% so với mục tiêu mà các chính phủ đề ra. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt được cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới về việc tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ông Birol cho rằng việc đạt được mục tiêu này là "hoàn toàn khả thi" và cho biết thêm rằng có ba bước mà các chính phủ toàn cầu có thể thực hiện để đẩy nhanh tốc độ đưa năng lượng tái tạo vào vận hành.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo toàn cầu cần nhận thức được “tầm quan trọng của việc xây dựng lưới điện” để đẩy nhanh việc kết nối các dự án năng lượng tái tạo mới. IEA nhận thấy ít nhất 1.650 GW công suất năng lượng tái tạo hiện đang trong giai đoạn phát triển nâng cao và chờ kết nối lưới điện, cao hơn 150 GW so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, các quốc gia cần rút ngắn thời gian để các nhà phát triển năng lượng tái tạo xin giấy phép cho các dự án mới. Theo IEA, hiện các trang trại điện gió có thể mất 7 năm và các trang trại năng lượng Mặt Trời mất 5 năm để có được giấy phép triển khai.

Cuối cùng, IEA kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế cần hỗ trợ nhiều hơn cho năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, những nước đang tiếp tục tụt hậu so với các nước phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục