Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng

20:57' - 23/06/2016
BNEWS Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói nước này sẽ tiếp tục triển khai chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài chính chủ động, đồng thời duy trì tăng trưởng tín dụng “hợp lý”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường: Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Ảnh: THX/TTXVN
Khi đến thăm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) và Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói nước này sẽ tiếp tục triển khai chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài chính chủ động, đồng thời duy trì tăng trưởng tín dụng “hợp lý”.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài chính chủ động, giúp nhiều chính sách trở nên linh hoạt và đúng hướng hơn.

Trong khi lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã hỗ trợ phát triển kinh tế, thì đà tăng trưởng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu kém và một số lĩnh vực và ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, c ác công cụ chính sách nên được sử dụng để duy trì tính thanh khoản, và tạo môi trường đầu tư thuận lợi để ứng phó với những rủi ro và thách thức, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục và ổn định. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng kêu gọi thực hiện các chính sách tài chính khác nhau để hỗ trợ cải cách cơ cấu về nguồn cung.

Trong một thông tin khác, kết quả khảo sát do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) thực hiện cho thấy Trung Quốc vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới. Zhan Xiaoning, một quan chức thuộc UNCTAD phụ trách về đầu tư và doanh nghiệp, cho hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2015 tăng khá cao và chỉ đứng thứ hai sau Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong năm 2015, FDI vào Trung Quốc tăng 6,4% so với năm ngoái, lên 126,7 tỷ USD. Trong đó FDI vào lĩnh vực dịch vụ tăng 17,3%, chiếm 61,1% tổng FDI.

Trong năm 2015, FDI trên toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ, tăng mạnh 38% lên 1.760 tỷ USD, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, đà tăng có thể đảo chiều và ông Zhan dự báo FDI toàn cầu sẽ giảm khoảng 10-15% trong năm 2016, trước khi khôi phục xu thế đi lên vào năm 2017 và năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục