Trung Quốc tích trữ khối lượng lớn LNG

14:46' - 08/10/2024
BNEWS Hiện tại, nguồn cung nội địa đáp ứng khoảng 60% nhu cầu khí đốt của nước này, nhờ chương trình cải cách nhằm gia tăng nguồn cung và tiêu thụ nội địa.

Trung Quốc đã dành nhiều năm để tích trữ khí đốt với khối lượng nhập khẩu cao khi giá giảm. Năm nay, Trung Quốc tiếp tục gia tăng lượng khí đốt nhập khẩu, nâng lượng dự trữ lên mức cao nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa Đông.

Là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, Trung Quốc dự kiến sẽ giữ vững vị trí số một trong năm nay và năm tới, đồng thời trở thành quốc gia có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thị trường toàn cầu khi kho lưu trữ khí đốt tự nhiên của nước này gần đạt công suất tối đa trước mùa Đông.

Thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga-Ukraine hết hạn vào ngày 31/12/2024 có thể kích hoạt một cuộc chạy đua mua LNG tại châu Âu.

Với lượng dự trữ khí đốt dồi dào, Trung Quốc có thể một lần nữa quay lại việc bán lại các lô hàng LNG cho châu Âu nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt. Hơn nữa, “gã khổng lồ châu Á” này cũng đang thương lượng về nguồn cung khí đốt từ đường ống trong tương lai, đặc biệt là từ Nga.

"Xứ Bạch dương" đã cố gắng trong nhiều năm để thuyết phục Trung Quốc cam kết về một đường ống khí tự nhiên mới từ các mỏ khí khổng lồ ở phía Tây nước Nga sang Trung Quốc qua Mông Cổ. Song, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra cam kết cụ thể về khối lượng khí sẽ nhập khẩu.

Khí đốt tự nhiên có thể giúp ngành điện của Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào than, từ đó giảm phát thải CO2 và hỗ trợ mục tiêu đạt đỉnh phát thải vào cuối thập kỷ này.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đạt tiến bộ trong nỗ lực tái cấu trúc thị trường khí tự nhiên, với việc tăng cường sản xuất và tiêu thụ trong nước; thúc đẩy nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng; áp dụng công nghệ để tăng cường thăm dò, sản xuất trong nước và giảm phát thải...

Hiện tại, nguồn cung nội địa đáp ứng khoảng 60% nhu cầu khí đốt của nước này, nhờ chương trình cải cách nhằm gia tăng nguồn cung và tiêu thụ nội địa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục