Trung Quốc tiến bước dài trên con đường quốc tế hóa đồng NDT

08:56' - 20/12/2015
BNEWS Quyết định đưa đồng NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF được xem là sự thay đổi lớn nhất trong SDR kể từ sau khi đồng euro ra đời vào năm 1999.

Với quyết định trên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng Nhân dân tệ (NDT) góp mặt trong giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế, cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và yen Nhật.

IMF quyết định đưa đồng NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức. Ảnh: Bloomberg

NDT sẽ hiện diện nhiều hơn

Đánh giá về quyết định của IMF, Giáo sư Ben S. Bernanke, cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cho rằng đó như một ngôi sao vàng ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là sự chứng nhận cho các nỗ lực của Trung Quốc trong việc từng bước quốc tế hóa đồng nội tệ.

Trong lúc Trung Quốc muốn được ghi nhận như một cường quốc kinh tế trên thế giới, việc tham gia vào SDR ghi nhận cả sức mạnh kinh tế đang gia tăng và những bước đi quan trọng của nước này trong nhiều năm qua nhằm mở cửa thị trường vốn, đáp ứng các tiêu chí quốc tế về tài chính và thúc đẩy vai trò của thị trường trong việc quyết định giá trị của đồng NDT.

Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực vận động để NDT được bổ sung vào giỏ tiền tệ quốc tế của IMF.

Từ năm 2003, nước này đã bắt đầu thực hiện kế hoạch quốc tế hóa NDT, với nhiều biện pháp khác nhau như thúc đẩy giao thương bằng NDT, tăng cường sử dụng NDT trong thanh toán quốc tế, tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng NDT.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã và đang có những bước thay đổi đối với hệ thống tài chính như dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi, mở cửa thị trường trái phiếu liên ngân hàng cho các ngân hàng trung ương nước ngoài, điều chỉnh các cơ chế hình thành tỷ giá đồng NDT, dần tiến tới bãi bỏ sự can thiệp của Nhà nước và tăng tần suất phát hành một số dữ liệu tài chính.

Trong năm 2015, Trung Quốc có những bước thay đổi đối với hệ thống tài chính. Ảnh: brics.info.org

Trung Quốc đã hoàn thiện tất cả những điều này với mục tiêu rõ ràng là IMF sẽ thừa nhận NDT là một đồng tiền ổn định, cho dù nền kinh tế đang yếu đi và những nguy cơ tài chính ngày càng tăng cao.         

Các chuyên gia kinh tế nhận xét nỗ lực đưa đồng NDT của Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế là điều dễ hiểu vì những lợi ích to lớn mà nó có thể mang lại. Đó là đồng tiền sẽ ổn định hơn và giảm sự cần thiết phải có lượng dự trữ lớn.

Khi các nhà hoạch định chính sách không còn buộc phải kiềm chế nhu cầu trong nước để duy trì mức dự trữ cao, tiêu dùng có thể thay thế đầu tư vào tài sản cố định để làm động lực tăng trưởng và đưa nền kinh tế thứ hai thế giới vào một con đường phát triển bền vững hơn.

Lượng dự trữ dư thừa có thể được rót vào các quỹ đầu tư quốc gia và các dự án tài chính qua các kênh như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mới được thành lập để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước này.

Theo các chuyên gia, việc chấp thuận cho đồng NDT vào cùng nhóm với USD hay euro chưa thể ảnh hưởng tới cầu đồng tiền này trong ngắn hạn.

Việc đồng NDT góp mặt trong giỏ tiền tệ của IMF chưa ảnh hưởng tới cầu đồng tiền này trong ngắn hạn. Ảnh: wired.co.uk

Hiện tại, khi những quốc gia như Hy Lạp vay tiền từ IMF, khoản vay sẽ bằng đồng euro hay USD. Nhưng khi NDT được đưa vào giỏ tiền tệ, nó cũng sẽ nằm trong danh sách các đồng tiền có thể đem cho vay.

Thêm vào đó, nhà kinh tế Haibin Zhu của JP Morgan cho rằng tỷ trọng đồng NDT trong dự trữ ngoại hối toàn cầu có thể được nâng từ 1,1% lên mức 5%, tương đương 350 tỷ USD trong vòng năm năm tới. Điều này cũng sẽ giúp đồng NDT được sử dụng nhiều hơn trong các hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo dự đoán, chỉ trong vòng 15 năm nữa, NDT sẽ được giao dịch ngang với USD và euro. Nhu cầu đối với đồng NDT trên toàn cầu sẽ tăng hơn 600 tỷ USD. Các kho dự trữ ngoại tệ sẽ chuyển ít nhất 1.000 tỷ USD sang đồng NDT.            

Một khởi điểm mới

Sau khi đồng NDT gia nhập SDR, bước tiếp theo Trung Quốc sẽ buộc phải mở cửa thị trường vốn, cũng như từng bước hoàn thành cải cách thị trường hóa tỷ giá và lãi suất.

Trong quá trình nhiều thử thách này, các cơ cấu tài chính bên ngoài sẽ có được nhiều cơ hội đầu tư hơn tại thị trường Trung Quốc, nhưng rủi ro tài chính mà Trung Quốc phải đối mặt cũng sẽ gia tăng đáng kể.

Theo Wang Tao, nhà kinh tế trưởng người Trung Quốc thuộc Ngân hàng UBS, việc đưa đồng NDT vào SDR có thể có ý nghĩa nếu nước này xem đó như một "chất xúc tác" cho các cải cách thị trường tài chính.

Trong khi đó, ông Dịch Cương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương), cho biết IMF sẽ tiến hành xem xét năm năm một lần và đồng tiền này sẽ bị đưa ra ngoài SDR nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn được đề ra.

Phó Giám đốc Học viện Tài chính - Tiền tệ Đại học Nhân dân Trung Quốc, Triệu Tích Quân cho biết đồng NDT được vào giỏ tiền SDR của IMF không phải là mục đích cuối cùng, mà là một khởi điểm mới.

Đưa đồng NDT vào giỏ tiền SDR của IMF không phải là mục đích cuối cùng của Trung Quốc. Ảnh: scmp.com

Bất kể xét từ nhu cầu mở cửa của Trung Quốc hay nhu cầu đối với Trung Quốc của cộng đồng quốc tế, nhịp bước cải cách tài chính - tiền tệ đều sẽ không thể chậm lại.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Hướng Tùng Tác cho biết một nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc thúc đẩy quốc tế hoá đồng NDT trong thời gian tới là cơ bản thực hiện tài khoản vốn có thể tự do chuyển đổi từng bước, thậm chí là trong thời gian ngắn. Vấn đề mấu chốt trong quá trình này là duy trì sự ổn định của tỷ giá đồng NDT.

Cùng với dòng vốn lưu chuyển hai chiều, biên độ dao động của tỷ giá chủ yếu do thị trường quyết định. Trong bối cảnh này, việc làm thế nào để duy trì tỷ giá tương đối ổn định sẽ là một thách thức cực kỳ quan trọng đối với chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá của ngân hàng trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục