Trung Quốc tìm lời giải cho các “đại gia” tài chính

14:23' - 30/07/2021
BNEWS Trong những năm gần đây, việc giải cứu các tập đoàn tài chính vốn được cho là "quá lớn để gục ngã" đang là một bài toán hóc búa đối với Chính phủ Trung Quốc.

 

Các tập đoàn này có quy mô khổng lồ và liên kết với nhau nên thất bại của họ sẽ là thảm họa đối với hệ thống kinh tế lớn hơn và do đó họ phải được chính phủ hỗ trợ khi gặp phải thất bại tiềm tàng. 

Mặc dù được thực hiện với mục đích bảo vệ hệ thống tài chính khỏi rủi ro, những gói cứu trợ quy mô lớn đã tạo ra nhiều chấn động trong lĩnh vực tài chính và thị trường vốn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong số những cuộc giải cứu nổi tiếng nhất tại Trung Quốc phải kể đến 2 trường hợp của tập đoàn bảo hiểm Anbang và ngân hàng Baoshang.

Ngoài ra, hai ngân hàng khác đã và đang được cơ quan quản lý cấp quốc gia và chính quyền địa phương tái cấu trúc là ngân hàng Hengfeng và ngân hàng Jinzhou.      

Quá trình tiếp quản và tái cấu trúc Anbang - tập đoàn bảo hiểm đã sụp đổ vì tham vọng bành trướng một cách vô tội vạ và việc Chủ tịch Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) rơi vào vòng lao lý - đã bắt đầu từ tháng 2/2018 và phải mất đến hai năm để hoàn thành. Các nhà quản lý và chuyên gia tài chính đã phải rất vất vả mới có thể gỡ rối và làm minh bạch hoạt động của tập đoàn này.

Tiếp theo là ngân hàng Baoshang Bank có trụ sở ở Nội Mông. Baoshang Bank được Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và cơ quan quản lý ngân hàng tiếp quản vào tháng 5/2019.

Đây được coi là vụ "tịch thu" ngân hàng cấp cao đầu tiên trong 20 năm tại Trung Quốc.

Ở đó, các nhà điều tra đã tìm thấy khoản thâm hụt tài chính lên đến 220 tỷ Nhân dân tệ (NDT, tương đương 34 tỷ USD), phần lớn do cổ đông lớn nhất là Tomorrow Holding chiếm đoạt.

Những cuộc giải cứu quy mô lớn này đã gây ra các "cơn rung chấn" trong lĩnh vực tài chính và thị trường vốn.

Người ta không chỉ lo ngại về những rủi ro mà hệ thống ngân hàng có thể gây ra đối với sự ổn định tài chính mà còn chú ý tới những bất cập về pháp lý trong việc xác định rủi ro sớm và xử lý.

Kết quả là một tài liệu có tên "Giải pháp tạm thời của các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm nhằm thực hiện và xử lý kế hoạch khôi phục" đã được Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) ban hành vào đầu tháng 6. 

Gói biện pháp này bao gồm nhiều điều khoản liên quan đến các kế hoạch phục hồi và giải quyết (RRP) trong trường hợp khủng hoảng, với mục đích ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro lớn, đảm bảo sự khôi phục hoặc xử lý một cách có trật tự của những tổ chức tài chính có vấn đề, từ đó duy trì ổn định tài chính. 

Đối với các nhà lập pháp tại Bắc Kinh, RRP là kế hoạch phục hồi dự phòng mà các tổ chức tài chính chủ chốt, đặc biệt là những tổ chức tài chính "quá lớn để thất bại", phải thực hiện trong trường hợp họ đối mặt rắc rối nghiêm trọng.

Với RRR, trong trường hợp những tổ chức này rơi vào tình cảnh không thể cứu vãn, quá trình giảm tốc của họ cũng sẽ diễn ra theo cách có trình tự hơn. rủi ro sẽ được ngăn ngừa hoặc xác định sớm, và trong trường hợp xấu nhất đó là khủng hoảng tài chính xảy ra, nhu cầu đối với các gói cứu trợ sẽ được giảm thiểu.

Trên phạm vi toàn cầu, RRP ra đời sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 khiến hàng loạt tổ chức tài chính hàng đầu như Lehman Brothers, Bear Stearns hay Merrill Lynch sụp đổ hoặc phải "bán mình" cho các tổ chức khác.

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) - cơ quan quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu - phát triển một khuôn khổ chính sách, nhằm giám sát những tổ chức được cho là "quá lớn để sụp đổ", từ đó ngăn chặn nguy cơ mất ổn định tài chính và hạn chế việc sử dụng các gói cứu trợ của chính phủ.

FSB đã đưa ra một bộ nguyên tắc và tiêu chuẩn giám sát đối với các tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống toàn cầu (G-SIFIs), có hiệu lực vào năm 2011, và RRP là một phần của khuôn khổ đó.

Mặc dù bộ nguyên tắc của FSB bao trùm lên từng quốc gia riêng lẻ, song các chính phủ vẫn có sự linh hoạt trong quá trình áp dụng quy định này đối với các tổ chức tài chính quan trọng ở trong nước (D-SIFI).

Một RRP bao gồm hai cấu phần. Cấu phần đầu tiên là kế hoạch phục hồi, có nghĩa là lên kế hoạch chi tiết về cách thức mà một tổ chức tài chính sẽ tự giải cứu mình. Để làm được điều này, tổ chức cần xác định các yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến khủng hoảng, trong đó có tính đến các giải pháp như cách họ khắc phục tình trạng thiếu vốn hoặc thiếu thanh khoản, cách huy động tiền từ các cổ đông để thực hiện cuộc giải cứu và cách để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong khi cuộc giải cứu đang được tiến hành.

Cấu phần thứ hai của RRP là kế hoạch giải quyết vấn đề, trong đó chỉ rõ cách thức ngừng hoạt động một cách có trật tự khi kế hoạch khôi phục không thành công hoặc tạo ra tác động lan tỏa gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, các hình thức trợ giúp từ bên ngoài để thực hiện điều này, chẳng hạn như tăng vốn từ các cổ đông chiến lược, bán công ty cho một tổ chức khác hay cầu viện một gói cứu trợ… cũng cần được chuẩn bị từ trước.

Lịch sử cứu trợ trong 3 năm qua tại Trung Quốc đã cho thấy hầu hết các rủi ro ổn định tài chính không đến từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn nhất, mà đến từ những tổ chức cho vay, các công ty bảo hiểm nhỏ hơn và các tổ chức tài chính khác, ví dụ như các công ty tín thác. 

Đáng chú ý là nhiều tổ chức trong số này đã sụp đổ vì tham nhũng, cho vay dưới chuẩn hoặc các quyết định quản lý kém, nhưng các cổ đông lớn và ban lãnh đạo cấp cao lại sẵn sàng chấp nhận những rủi ro này vì họ cho rằng có một sự đảm bảo ngầm là chính phủ sẽ ra tay cứu trợ nếu có khó khăn. 

Đây là lý do khiến Bắc Kinh muốn thực hiện RRP, bởi "quá lớn để thất bại" là một trong những điểm yếu mà RRP sẽ giải quyết, CBIRC cho biết tại một cuộc họp báo hồi tháng 6 vừa qua.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc trong những năm gần đây đã liên tục chỉ ra rằng thời kỳ "giải cứu tự động" đã kết thúc.

Trong khi đó, các biện pháp của RRP đã củng cố thông điệp này bằng cách thúc đẩy chính các công ty đưa ra kế hoạch giải cứu, từ đó buộc cổ đông và chủ nợ phải gánh chịu phần lớn những mất mát.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi có 4 trong số 10 ngân hàng thương mại lớn nhất tính theo tài sản, Trung Quốc đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu, và do đó nước này cần tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định quốc tế. 

Mặc dù các cơ quan quản lý của Trung Quốc vẫn chưa nêu tên các D-SIFI của nước này, nhưng vào tháng 12, họ đã đưa ra các quy tắc đánh giá và cho phép các nhà quản lý xác định những ngân hàng nào cần được đưa vào danh sách các ngân hàng quan trọng trong nước (D-SIB).

Những tổ chức nằm trong danh sách này sẽ phải tuân thủ các quy định bổ sung, dù chưa được xác định cụ thể, về vốn, tỷ lệ đòn bẩy và mức độ công bố thông tin. 

Các tổ chức tài chính sẽ chịu trách nhiệm tạo ra RRP cho riêng mình và đệ trình lên CBIRC, cơ quan sẽ đánh giá và yêu cầu điều chỉnh nếu có vấn đề. Kế hoạch phục hồi phải được cập nhật hàng năm và kế hoạch giải quyết vấn đề ít nhất hai năm một lần.

Trung Quốc đã và đang học hỏi cơ quan quản lý ở các nền kinh tế lớn khác trong việc thực hiện cấu phần phục hồi của RRP.

Tới đây, Bắc Kinh sẽ tiếp tục "theo chân" Mỹ đối với phần giải quyết vấn đề, yêu cầu tổ chức tài chính đưa ra một đề xuất sau đó trình lên cơ quan quản lý để đánh giá./.
Thanh Phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục