Trung Quốc tồn kho 330.000 tấn đồng

09:45' - 03/07/2024
BNEWS Lượng đồng trong các kho hàng của Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020, vào khoảng 330.000 tấn trong tháng 6/2024.

Tình trạng dư cung đồng lớn nhất trong bốn năm qua đang diễn ra tại các kho chứa của Trung Quốc, sau khi giá tăng vọt và nhu cầu tiêu thụ giảm khiến các nhà sản xuất ở nền kinh tế lớn nhất châu Á phải cắt giảm mua kim loại dùng trong công nghiệp quan trọng hàng đầu thế giới.

 

Theo dữ liệu của Bloomberg, lượng đồng trong các kho hàng của Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020, vào khoảng 330.000 tấn trong tháng 6/2024. Trước đó, lần cuối cùng tồn kho đồng của SHFE đạt được mức này là vào năm 2015.

Ông Zhang Jiefu, nhà phân tích cao cấp tại Zhengxin Futures, cho biết lượng đồng tồn kho lớn "đơn giản là bởi không thể tiêu thụ được". Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất dây và cáp đang phải chịu áp lực rất lớn do sự suy giảm của ngành bất động sản Trung Quốc.

Đồng được sử dụng rộng rãi trong hệ thống dây điện, ống nước và thiết bị gia dụng khi việc xây dựng hoàn thành. Việc tồn kho đồng thô phản ánh tình trạng mong manh của ngành công nghiệp Trung Quốc, vốn đã chứng kiến nhu cầu bị kìm hãm khi giá đồng tăng vọt lên mức kỷ lục trên 11.000 USD/tấn vào tháng trước bởi "cơn sốt" đầu cơ do Mỹ dẫn dắt.

Lượng tồn kho tại các nhà kho liên kết với các sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới được các nhà giao dịch và nhà phân tích sử dụng làm chỉ báo quan trọng về sức mạnh của thị trường, vì chúng sẽ đầy lên khi  cung vượt cầu trên thị trường và cạn kiệt khi nhu cầu cao.

Ông David Wilson, chiến lược gia hàng hóa tại BNP Paribas, cho biết: “Nếu bạn là một nhà sản xuất đồng ở Trung Quốc, thì bạn có mọi lý do để giảm lượng dự trữ của mình và trì hoãn việc mua từ thị trường vì nhu cầu ổn định nhưng không quá cao và giá đồng toàn cầu đã tăng vọt”.

Sự gia tăng lượng dự trữ đồng phản ánh sự suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc cũng như hoạt động sản xuất và tín dụng trì trệ. Trong bốn tuần kể từ khi leo lên mức cao kỷ lục, giá đồng hiện đã giảm 13%, xuống 9.600 USD/tấn do nhu cầu yếu từ Trung Quốc.

Lượng dự trữ đồng thường tăng lên trong vài tháng đầu năm và bắt đầu giảm xuống vào mùa Xuân, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc, khi các nhà máy tăng cường sản xuất trở lại. Tuy nhiên, năm nay, việc gia tăng lượng dự trữ đã diễn ra lâu hơn bình thường.

Ngược lại với tình hình ở Trung Quốc, các thương nhân đã cảnh báo rằng lượng dự trữ đồng toàn cầu vẫn ở mức thấp nguy hiểm, chỉ đủ dự trữ cho vài ngày tiêu thụ. Họ cho rằng điều này tạo ra rủi ro khiến giá cả biến động mạnh.

Thị trường yếu tại Trung Quốc đã khiến giá đồng giao dịch tại Thượng Hải giảm xuống so với giá chuẩn toàn cầu - một điều hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà sản xuất đồng Trung Quốc gần đây đã bắt đầu mua kim loại này trở lại, với lượng dự trữ đã giảm nhẹ trong hai tuần qua.

Tuy nhiên, việc tích trữ đồng thô cho thấy sự xáo trộn mà ngành này phải đối mặt do tình trạng cung vượt cầu của các nhà máy luyện kim trên toàn cầu. Indonesia, Ấn Độ và CHDC Congo đều sẽ nối gót Trung Quốc để tăng đáng kể công suất luyện đồng trong thời gian tới.

Vào cuối năm ngoái, một mỏ đồng khổng lồ ở Panama đóng cửa và các công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới giảm sản lượng khiến các nhà phân tích dự báo sẽ xảy ra tình trạng thiếu đồng do các nhà máy luyện kim tranh giành nguồn cung hạn chế.

Các nhà quản lý quỹ đã nắm bắt điều đó vào đầu năm nay và đặt cược vào khả năng giá đồng tăng, nhưng tình trạng thiếu hụt thực sự không xảy ra. Một phần là do CHDC Congo đã xoay xở để tăng sản lượng tại các mỏ trong nước, trong khi Trung Quốc đã chế biến thêm phế liệu, giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng nguồn cung ứng.

Ông Qin Jingjing, nhà phân tích kim loại màu tại SDIC Securities, cho biết tình trạng dư thừa đồng kéo dài ở Trung Quốc cũng là do các nhà máy luyện kim không giảm sản lượng, ngoài việc bảo trì hàng năm, mặc dù họ đã có ý định đó. 

Nhưng trong bối cảnh giá đồng giảm gần đây, các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu mức giảm giá hơn 10% có đủ để thay đổi tâm lý ở Trung Quốc hay không?

Một số nhà phân tích cho rằng giá đồng có thể tăng trong nửa cuối năm do nhu cầu bị dồn nén. Ông Boris Mikanikrezai, nhà phân tích tại Fastmarkets, cho biết: “Với việc giá giảm, chúng ta sẽ thấy mọi người tận dụng lợi thế này".

Tuy nhiên, ông Daniel Smith, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại AMT, một công ty môi giới kim loại có trụ sở tại London, cho biết giá có thể giảm sâu hơn trong năm nay nếu một số quỹ mua kim loại bắt đầu giảm giá và bắt đầu bán khống hoặc đặt cược vào xu hướng giá giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục