Trung Quốc trong cuộc "săn" khoáng sản quan trọng ở Canada

06:30' - 23/12/2021
BNEWS Chiến lược của Trung Quốc hầu như không có gì bí mật: Trung Quốc muốn khóa chặt nguồn nguyên liệu thô và năng lực xử lý các kim loại sẽ cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Một khu vực sản xuất lithium. Nguồn ảnh: thestandard.com.hk

Một tuần trước, các cổ đông của công ty khai thác lithium Neo Lithium đã thông qua thỏa thuận bán công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Canada TSX Venture Exchange này cho công ty khai khoáng Zijin Mining của Trung Quốc với giá khoảng 960 triệu CAD (740 triệu USD). 

Thương vụ này dường như không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông cũng như giới chức Canada, mặc dù giới quan sát cho rằng đáng lẽ Ottawa phải quan ngại về nó.

Neo Lithium không phải là một cái tên quen thuộc và là công ty tương đối nhỏ, nhưng thỏa thuận trên đúng ra sẽ phải khiến không chỉ Ottawa mà Washington và cả các nhà sản xuất ô tô điện ở Bắc Mỹ phải lo lắng.

Đó là bởi vì lithium là thành phần thiết yếu để sản xuất pin xe điện, một thị trường đang phát triển đột biến, và giờ đây một lượng lớn nguồn cung cấp kim loại nhẹ, màu trắng bạc này sẽ vào tay các công ty Trung Quốc.

Trung Quốc đã âm thầm mua các nhà sản xuất lithium và các mỏ lithium trên khắp thế giới trong nhiều năm qua và cũng đang "theo đuổi" coban (một thành phần quan trọng khác của pin ô tô) và đất hiếm, một nhóm gồm 17 kim loại đặc biệt không thể thiếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như như điện thoại di động, tua-bin gió, đèn LED,...

Chiến lược của Trung Quốc hầu như không có gì bí mật: Trung Quốc muốn khóa chặt nguồn nguyên liệu thô và năng lực xử lý các kim loại sẽ cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.

Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu về các kim loại này, bỏ lại phía sau các công ty Bắc Mỹ và châu Âu. Chỉ gần đây các chính phủ phương Tây mới nhận ra sai lầm mà họ đã mắc phải từ nhiều năm trước, khi không sàng lọc kỹ các nỗ lực kiểm soát của nước ngoài trong ngành này.

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ) kết luận rằng trong "cuộc chơi" này phương Tây gần như thua cuộc, khi Trung Quốc đã xây dựng ảnh hưởng trên thị trường các kim loại "xanh" cần thiết để khử carbon trong hệ thống vận tải và cung ứng năng lượng của thế giới. 

Báo cáo nhận định: "Không còn là nhà sản xuất khoáng sản hay nhà lắp ráp linh kiện đơn thuần, Trung Quốc đang nổi lên như một nhà sản xuất giá trị cao hơn, đòi hỏi khối lượng ngày càng lớn các khoáng sản và kim loại được coi là chìa khóa cho sản xuất công nghệ năng lượng sạch. Trung Quốc đã trở thành một bên chi phối trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các khoáng sản quan trọng và sản phẩm năng lượng sạch".

Báo cáo ước tính rằng Trung Quốc chiếm tới 90% hoạt động sản xuất điện Mặt Trời trên thế giới. Trong sản xuất pin lithium-ion, Trung Quốc chiếm 80% thị phần toàn cầu và công suất tinh chế lithium của nước này ước tính là 60%.

Trung Quốc đang kiểm soát khoảng một nửa chuỗi giá trị đối với tuabin gió, bao gồm cánh quạt, máy phát điện và hộp số.

Là một cường quốc khai khoáng, nhưng trữ lượng khoáng sản ở trong nước của Trung Quốc không đủ để cung cấp cho các nhà sản xuất. Vì vậy, Trung Quốc đã vươn ra nước ngoài để tìm nguyên liệu thô.

Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư vào CHDC Congo – nơi chi phối gần 2/3 nguồn cung coban trên thế giới và chiếm hơn 70% công suất tinh chế coban.

Vào năm 2016, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, China Molybdenum đã mua lại một trong những hoạt động khai thác coban lớn nhất thế giới tại CHDC Congo từ tay Freeport-McMoRan, "người khổng lồ" trong ngành khai khoáng của Mỹ.

Bốn năm sau, vào những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, China Molybdenum đã mua tiếp trữ lượng khổng lồ coban từ Freeport.

Thời điểm Trung Quốc tiến hành các thương vụ trên được cho hoàn hảo. Trong vài năm qua, xe điện đã đi từ thị trường ngách trở thành sản phẩm chủ lực, trong bối cảnh hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đều đặt tương lai của mình vào xe điện.

Một cuộc khảo sát của KPMG với 1.100 giám đốc điều hành các hãng ô tô toàn cầu cho thấy, hơn một nửa doanh số bán ô tô của họ sẽ là xe điện vào năm 2030.

Liên quan đến kế hoạch đối với các kim loại quan trọng, Trung Quốc đã "gieo" rất nhiều "hạt giống" trên khắp thế giới vào các công ty nhỏ và dự án có tiềm năng lâu dài.

Thương vụ Zijin Mining mua Neo Lithium - công ty tự nhận mình là "nhà sản xuất lithium lớn tiếp theo", là một phần của chiến lược đó. Dự án lithium lớn của công ty Canada này nằm ở Tây Bắc Argentina, gần biên giới với Chile.

Trung Quốc cũng đang theo đuổi các công ty lithium của Mỹ. Hiện nay, Tổng thống Joe Biden đang đưa xe điện trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của ông.

Vào tháng 11 vừa qua, khi đến thăm một nhà máy của General Motors, ông Biden nói: "Cho đến nay, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua này, nhưng điều đó sắp thay đổi". 

Tổng thống Mỹ hẳn đã rất vui khi Lithium Americas, kinh doanh ở New York và Toronto, đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu mua Millennial Lithium của Canada. "Cuộc chiến" bắt đầu vào tháng Bảy, khi Gangfeng Lithium của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đấu thầu mua cổ phần của Millennial.

"Ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất pin CATL của Trung Quốc cũng tham gia đấu thầu vài tháng sau đó. Cuối cùng, công ty Mỹ đã đánh bại các đối thủ Trung Quốc.

Nhưng không ai "cứu" Neo Lithium khỏi sự tiếp quản của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng tất cả các đề xuất thâu tóm công ty sản xuất lithium cũng như các kim loại khác cần thiết cho cuộc cách mạng "xanh", phải được xem xét lại, bất kể quy mô của doanh nghiệp. 

Nhằm đưa Canada trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất pin xe điện, Thủ tướng Justin Trudeau đã yêu cầu xem xét lại luật đầu tư để bảo vệ hoạt động khai thác các kim loại quan trọng khỏi sự thâu tóm của nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục