Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tham gia phát triển thành phố thông minh ở Thái Lan

09:15' - 07/05/2019
BNEWS Sáng kiến về thành phố thông minh thuộc Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan nhiều khả năng sẽ là dự án phát triển thứ hai có sự hợp tác của của Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngày 7/5, truyền thông sở tại đưa tin sáng kiến về thành phố thông minh thuộc Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) nhiều khả năng sẽ là dự án phát triển thứ hai có sự hợp tác của của Trung Quốc và Nhật Bản, sau dự án đường sắt cao tốc kết nối ba sân bay chính gồm Don Mueang, Suvarnabhumi và U-tapao.

Tổng thư ký Văn phòng EEC Kanit Sangsubhan cho biết: “Chúng tôi chưa lên thời gian biểu cho việc mở thầu phát triển thành phố thông minh ở khu vực EEC vì chính phủ đang tập trung vào năm dự án cơ sở hạ tầng”.

Năm dự án trên bao gồm dự án đường sắt cao tốc nối 3 sân bay chính trị giá 225 tỷ baht (7 tỷ USD); dự án sân bay U-tapao trị giá 290 tỷ baht (9 tỷ USD); dự án trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) theo hai giai đoạn trị giá 10,6 tỷ baht (330 triệu USD); giai đoạn thứ ba của cảng biển Chabang trị giá 114 tỷ baht (3,6 tỷ USD); và giai đoạn thứ ba của cảng biển Map Ta Phut trị giá 55,4 tỷ baht (1,7 tỷ USD).

Ông Kanit Sangsubhan cho biết Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho dự án phát triển thành phố thông minh ở khu vực EEC.

Nghiên cứu được thực hiện bao gồm khung đánh giá thành phố thông minh, chính sách và các gói kích thích có thể thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp tư nhân được phép phát triển các thành phố thông minh của riêng mình. Trong đó, Amata Corporation PLC - tập đoàn vận hành và phát triển bất động sản công nghiệp - đã sẵn sàng phát triển một dự án thành phố thông minh tại khu đất được giao ở tỉnh Chon Buri.

Amata có kế hoạch xây dựng và phát triển 42 km2 đất công nghiệp được cấp thành một thành phố thông minh bằng việc áp dụng công nghệ mới, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng có hiệu suất sử dụng năng lượng cao và cơ chế quản trị môi trường bền vững.

Amata Corporation PLC đã hợp tác với thành phố Yokohama của Nhật Bản hoàn thành giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi vào năm ngoái.

Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) xác nhận với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak vào hồi tháng 3/2019 rằng ngân hàng này đã sẵn sàng mở rộng các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho dự án đường sắt cao tốc kết nối ba sân bay nói trên.

JBIC cũng xác nhận sẽ hỗ trợ đầu tư vào dự án thành phố thông minh ở Chachoengsao.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cũng đã cam kết sẽ đầu tư vào thành phố thông minh và thu hút các doanh nghiệp nước này đầu tư vào các dự án ở EEC.

Phó Thủ tướng Somkid cho biết sự hỗ trợ của cả Trung Quốc và Nhật Bản ở EEC có ý nghĩa trong việc xây dựng môi trường đầu tư ở Thái Lan và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trong sự phát triển tổng thể ở EEC.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục