Trung tâm sản xuất toàn cầu sẽ dịch chuyển về đâu?

05:30' - 27/08/2024
BNEWS Theo tờ The New York Times, những nỗ lực xây dựng cảng mới và mở rộng các bến cảng hiện có tại Ấn Độ sẽ giúp trả lời câu hỏi liệu nước này có trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu hay không.
Khoảng 25% container vận tải qua Ấn Độ được dỡ hoặc chất hàng tại các bến cảng ở phía Nam Mumbai. Lưu lượng container đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua, đạt tương đương 6,4 triệu container 20 feet vào năm ngoái. Tuy nhiên, so với các cảng lớn nhất thế giới, với nhiều cảng nằm ở Trung Quốc, đây vẫn là một con số nhỏ.

Ấn Độ đang theo đuổi một chiến dịch mạnh mẽ, lên kế hoạch cho các cảng mới, đồng thời mở rộng các bến cảng hiện có. Kế hoạch này có được thực hiện và hoàn thành nhanh chóng hay không, có thể quyết định một trong những tham vọng lớn nhất của Ấn Độ: phát triển thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu.

Triển vọng này ngày càng trở nên rõ nét hơn khi các nhà bán lẻ đa quốc gia, lâu nay phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, đang tìm kiếm các địa điểm thay thế. Xu hướng này xuất phát từ những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh.

Nỗ lực này càng gia tăng khi các doanh nghiệp nhận thức rằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ vẫn không ổn định, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nhiều thương hiệu lớn đang xem xét đặt nhà máy tại Ấn Độ.

 
Ông Unmesh Sharad Wagh, Chủ tịch Cảng vụ Jawaharlal Nehru cho rằng thế giới không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và lựa chọn thay thế tốt nhất là Ấn Độ. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang chuyển cơ sở của họ đến quốc gia Nam Á này.

Các nhà bán lẻ lớn như Walmart đang mở rộng các cơ sở của họ tại Ấn Độ. Tuy nhiên, liệu xu hướng này có kéo dài và tạo ra sự gia tăng bền vững về số đơn hàng cũng như việc làm trong ngành sản xuất hay không, có thể phụ thuộc vào khả năng của các cảng Ấn Độ trong việc thực hiện vai trò của mình.

Ấn Độ đang tập trung vào Vadhvan, một khu công nghiệp cách bờ biển 100 dặm. Tại đây, ban điều hành cảng đang triển khai kế hoạch xây dựng một cơ sở khổng lồ với khả năng xử lý 20 triệu container 20 feet mỗi năm, gấp ba lần quy mô của cảng Jawaharlal Nehru hiện tại.

Dự án có chi phí khoảng hơn 9 tỷ USD trên sẽ được xây dựng theo hai giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Dự án này vừa được nội các Ấn Độ phê duyệt.

Điểm quan trọng của cảng mới là cảng nước sâu, cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới,  có thể chứa tới 24.000 container. Các cảng khác của Ấn Độ chỉ có thể tiếp nhận tàu chở tối đa 18.000 container. Sự hạn chế này ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại.

Khoảng 25% container hàng hóa giữa Ấn Độ và châu Âu/hoặc Đông Á phải qua các cảng ở Singapore, Dubai hoặc Colombo, Sri Lanka, nơi hàng hóa được chuyển sang các tàu nhỏ hơn để có thể cập cảng ở Ấn Độ.

Ông Wagh cho biết các nhà vận tải Ấn Độ đang chi thêm khoảng 200 USD mỗi container 20 feet và thời gian vận chuyển kéo dài thêm ba ngày, do vấn đề trên. Khoảng cách ba ngày trong thời gian giao hàng làm giảm khả năng cạnh tranh của Ấn Độ như một địa điểm sản xuất hàng hóa.

Ông Wagh cho rằng Ấn Độ không nên phụ thuộc vào các tàu nhỏ hơn và các cảng cần sẵn sàng cho sự phát triển trong tương lai.

Một cảng khác ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đang được thiết kế để tiếp nhận các tàu container lớn nhất, dựa nhiều vào tự động hóa. Cơ sở này là một dự án của tập đoàn Adani Group, đế chế thương mại của tỷ phú Gautam Adani.

Dự kiến, Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng. Một số chuyên gia cho rằng các chương trình mở rộng hiện tại đang theo kịp với đà gia tăng xuất khẩu của Ấn Độ.

Ông Shashi Kiran Shetty, người sáng lập và Chủ tịch của Allcargo Group, một trong những công ty logistics lớn nhất Ấn Độ, cho biết công suất của các cảng đang được mở rộng và có thể đáp ứng thêm 25-30% nhu cầu. Ông cũng lưu ý đến việc mở rộng năng lực trong những năm gần đây tại một cảng container lớn ở Mundra.

Những tháng gần đây đã chứng kiến sự hỗn loạn tại một số cảng ở bờ Tây Ấn Độ, với hàng hóa xuất khẩu bị ùn tắc, khi các công ty vận tải biển "bỏ qua" một số điểm đến để tập trung tàu của họ vào các tuyến đường chính kết nối Đông Á với châu Âu và Bắc Mỹ.

Phần lớn sự gián đoạn là kết quả của việc các tàu tránh kênh đào Suez do lo ngại về vấn đề an ninh. Các tàu thay vào đó đang đi vòng quanh châu Phi. Với quãng đường dài hơn này, các công ty vận tải cần thêm tàu để duy trì lịch trình hàng tuần. Họ đã chuyển hướng một số tàu thông thường sẽ cập cảng Ấn Độ.

Một lo ngại khác là khả năng xảy ra đình công của công nhân tại 12 cảng lớn nhất Ấn Độ. Trong dài hạn, những doanh nghiệp phụ thuộc vào thương mại ở Ấn Độ kêu gọi hành động quyết liệt hơn để mở rộng các cảng hiện có, một quy trình tốn kém và phức tạp.

Ngoài ra, các cơ quan đường sắt đang hoàn thiện một hành lang đường sắt chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa giữa Mumbai và New Delhi. Chính phủ cũng đang giám sát việc xây dựng các con đường cao tốc.

Câu hỏi đang được đặt ra là các nỗ lực này sẽ mất bao lâu để hoàn thành, và liệu có thể theo kịp với khối lượng hàng hóa ngày càng tăng hay không. Nhu cầu sẽ còn lớn hơn nếu Ấn Độ nổi lên như một lựa chọn khả thi thay thế cho hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục