Trưởng đại diện JETRO: Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ phục hồi sau dịch COVID-19

10:49' - 09/09/2020
BNEWS Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ sớm phục hồi trở lại sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được khống chế.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 9/9, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ sớm phục hồi trở lại sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được khống chế.

Phát biểu tại Hội thảo Kết nối Đầu tư Việt Nam–Nhật Bản, ông Nakajima cho biết cho đến năm 2019, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục tăng. Rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã chững lại do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây chỉ là sự chững lại trong thời gian ngắn, và dòng vốn này sẽ phục hồi trong thời hậu dịch COVID-19.

Lý giải về sự chững lại của dòng vốn FDI từ Nhật Bản, ông Nakajima nói nguyên nhân một phần là do nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Kết quả điều tra của JETRO cho thấy có tới 65% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ đã giảm mạnh vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng e dè sau khi dịch COVID-19 quay lại Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.

Mặc dù vậy, theo ông Nakajima, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có doanh thu giảm vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Đáng chú ý, chỉ có 5% doanh nghiệp Nhật Bản có doanh thu giảm trên 50%. Đây là con số khá thấp và khá đặc biệt so với các nước khác.

Giải thích về nhận định dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, ông Nakajima cho rằng đó một phần là do Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo ông Nakajima, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và đang từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã dự báo trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của toàn khu vực.

Hội thảo Kết nối Đầu tư Việt Nam–Nhật Bản do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) và JETRO phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và ba tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Nghệ An tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hai nước.

Hội thảo gồm một phiên toàn thể và một phiên giao thương trực tiếp giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký AJC, chỉ ra các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới nền kinh tế châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai nước để vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra.

Theo ông Fujita, AJC đã phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tổ chức hội thảo này với mong muốn kết nối các doanh nghiệp giữa hai nước, đồng thời hy vọng thông qua hội thảo này, các doanh nghiệp hai nước sẽ tìm được đối tác phù hợp.

Về phần mình, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, khẳng định sau 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản vẫn luôn là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam. Trong thời gian qua, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư.

Theo ông Vũ Bá Phú, năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn FDI từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tính lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản trong thời gian tới cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cũng tại hội thảo, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cũng như các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Nghệ An đã giới thiệu về thực trạng và các giải pháp thu hút vốn FDI từ Nhật Bản./.

>>Giao thương quốc tế và FDI giúp Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục