Truyền thông báo chí giữ vai trò quan trọng trong an ninh tài chính, tiền tệ

13:16' - 29/06/2018
BNEWS Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Chương trình giao lưu chính luận "Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ" diễn ra ngày 29/6 tại Hà Nội.
Các khách mời thảo luận tại chương trình "Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ". Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

An ninh tài chính, tiền tệ, theo ông Nguyễn Minh Phong, Phó ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân, đó chính là khả năng tự vệ trước bất kỳ mối đe dọa nào từ cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đúng chức năng...
Đồng quan điểm này, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, an ninh tài chính, tiền tệ có liên quan trực tiếp đến an ninh kinh tế nói chung, do đó, vai trò của thông tin truyền thông trong an ninh tài chính, tiền tệ là vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và tài chính, Việt Nam đang đối diện với những vấn đề mới từ thế giới có khả năng ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ. Tình hình trong nước cũng đã đặt ra những thách thức mới cho lĩnh vực này.
Bàn về những yếu tố tác động đến an ninh tài chính, tiền tệ, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh, Cục trưởng A84, Tổng Cục An ninh (Bộ Công an) cho biết trong những năm qua, nhiều tin đồn rộ lên như tin đồn về việc đổi tiền của Ngân hàng Nhà nước hay thông tin về việc bắt giữ các quan chức, cựu lãnh đạo ngân hàng... đã có tác động rất xấu đến an ninh, an toàn trong cả hệ thống ngân hàng nhất là tác động xấu đến quyền lợi người gửi tiền.
Trước những tin đồn thất thiệt đó, Thiếu tướng cho hay A84 đã phối hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật, tổ chức tài chính tín dụng và các cơ quan truyền thông báo chí để tuyên truyền, giải thích, xác thực thông tin nhằm ổn định tâm lý người dân, tránh rút tiền ồ ạt ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và an ninh hệ thống ngân hàng. Cùng với đó là xác minh, điều tra để tìm ra thủ phạm tung tin đồn có mục đích trục lợi và xử lý các đối tượng này.
Tham gia bàn luận tại chương trình, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đánh giá tin đồn gây ra hậu quả rất lớn nên để giảm thiểu hậu quả tin đồn thất thiệt cần có kịch bản để xử lý càng nhanh càng tốt những tin đồn này.
Đối với các cơ quan truyền thông báo chí, ông Đức cho rằng phải có ý thức khác biệt trong xử lý thông tin kinh tế nhất là thông tin tài chính ngân hàng do đây là lĩnh vực nhạy cảm nên nếu thông tin sai sẽ gây hậu quả rất lớn. Từ đó, đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp cũng như nghiệp vụ, trình độ của mỗi phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo các cơ quan truyền thông báo chí.
Theo vị Tổng biên tập này, tin đồn hiện lan rất nhanh bằng cách truyền miệng trong dân chúng hay trên mạng xã hội. Do vậy khi tin đồn có nguy cơ xảy ra khủng hoảng rất cần xự xuất hiện và xử lý thông tin ngay tức thì của các cơ quan chức năng, lãnh đạo các tổ chức tài chính tín dụng... tránh thông tin chậm, muộn gây ảnh hưởng xấu tới thị trường.
Với vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ, các chuyên gia khẳng định công tác báo chí, truyền thông đòi hỏi thông tin phải có tính chính xác cao và liều lượng vừa phải, hợp lý để một mặt phản ánh được những hạn chế, yếu kém của ngành tài chính ngân hàng nhưng mặt khác không ảnh hưởng đến nhân dân, ổn định kinh tế, đặc biệt là sự ổn định trong hệ thống tài chính ngân hàng./.

>>> Tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục