Truyền thông Đức đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam hậu COVID-19

21:51' - 07/07/2020
BNEWS Việt Nam được ví như thước đo của tất cả trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là nhận định được tác giả Sven Heckle đưa ra trong bài viết ca ngợi thành quả chống dịch cũng như triển vọng xán lạn về kinh tế của Việt Nam, đăng trên trang web chuyên về chứng khoán của Đức boerse-online.de ngày 7/7.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo cho biết, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 một cách ngoạn mục và đây là một trong những điều kiện tuyệt vời để quốc gia Đông Nam Á này nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng. Cho đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam chỉ khoảng 350 trường hợp trong số 97 triệu dân và chưa có một trường hợp nào tử vong.

Là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, nhưng ngay từ đầu tháng 1/2020, Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 dù trong nước còn chưa có trường hợp mắc bệnh. Khi xuất hiện ca mắc đầu tiên ngày 23/1, Việt Nam đã nhanh chóng dùng những kinh nghiệm tích lũy được từ dịch SARS trước đó để chống COVID-19. Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa trường học, phong tỏa khu vực nhiễm bệnh cũng như giao thông đường không.

Hành động nhanh chóng đã mang lại thành công và việc giãn cách xã hội đã gần như được dỡ bỏ hoàn toàn từ tháng Năm. Nhờ chỉ phong tỏa một phần và trong thời gian tương đối ngắn nên tác động đối với nền kinh tế chỉ ở mức hạn chế, khi các nhà máy vẫn tiếp tục được vận hành trong điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt.

Tuy vậy, một vài lĩnh vực của Việt Nam cũng cảm nhận rõ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như trong ngành du lịch với lượng du khách giảm khoảng 40% trong bốn tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Ngân hàng JP Morgan dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 3,2% và sẽ tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm tới. Con số này cũng tương đương với nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 7% trong năm 2021.

Tác giả bài báo cũng đánh giá, triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt, phần lớn nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao.

Kể từ khi hãng điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics mở nhà máy sản xuất điện thoại thông minh đầu tiên tại Việt Nam năm 2014, quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến một dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định. Trong khi đó, các công ty công nghệ đa quốc gia như Apple đã đẩy mạnh kế hoạch di dời và mở rộng sản xuất sang Việt Nam, chưa kể những động lực mang lại cho nền kinh tế trong thời gian tới từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ./. 

>>> WB dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục