Truyền thông Đức đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam

10:06' - 20/05/2021
BNEWS Theo trang tin Tài chính (Finanznachrichten) của Đức, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế 2,9% năm 2020 trong khi nhiều quốc gia khác gặp khủng hoảng.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 19/5, trang tin Tài chính (Finanznachrichten) của Đức đã đưa tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như cập nhật tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, trong đó bày tỏ tin tưởng Việt Nam đang kiểm soát tốt đợt lây nhiễm mới này.

Bài báo dẫn lời chuyên gia Cơ quan Thương mại và đầu tư Đức (GTAI) tại Việt Nam, bà Frauke Schmitz-Bauerdick cho biết cuộc bầu cử quốc hội ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19, đặc biệt ở khu vực miền Bắc xung quanh thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, nữ chuyên gia GTAI cho biết giới quan sát tin tưởng rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm mới hiện nay và có thể tiếp tục thực hiện các chiến lược của mình, nhất là về mặt kinh tế thông qua việc kiểm soát tốt đại dịch.

Chuyên gia của GTAI nhận định ngay cả trong năm 2020 thế giới bị khủng hoảng do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 2,9%.

Riêng trong quý I/2021, sản lượng kinh tế  Việt Nam đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 4,5% và theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm nay có thể đạt 6,7% và năm 2022 đạt 7,0%. Bà cho rằng ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đầu tư công, đặc biệt là vào hệ thống cơ sở hạ tầng, tiêu dùng tư nhân của tầng lớp trung lưu gia tăng và xuất khẩu tăng mạnh sẽ là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2021.

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi sau những suy giảm trong năm ngoái và theo thông tin của Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay, trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 29,6%, trong khi đầu tư nước ngoài cũng đang gia tăng trở lại.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4 vừa qua, số vốn đăng ký đầu tư mới đạt trị giá 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các dự án đăng ký chỉ được triển khai chậm và một trong những lý do là do biện pháp hạn chế nhập cảnh vốn được áp đặt nghiêm ngặt từ tháng 3/2020, điều làm chậm tiến độ tiếp cận thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, báo Thương mại (Handelsblatt) của Đức vừa có bài viết đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bài báo, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thu hút các nhà đầu tư do có lợi nhuận cao. Tuy vẫn thuộc "thị trường cận biên" với nhiều rủi ro, song Việt Nam cũng có sức hút do có nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư về cổ phiếu và trái phiếu.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng vào sự bùng nổ của nền kinh tế toàn cầu và giá nguyên liệu thô tăng mạnh trong năm nay. Đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi, các thị trường cận biên và thị trường mới nổi hạng 2 như Việt Nam, Kazakhstan, Ai Cập,... đây sẽ thực sự là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro có thể tin tưởng vào các quỹ đầu tư cổ phiếu và một số quỹ đầu tư trái phiếu do hầu hết các quỹ này được quản lý tích cực.

Đáng chú ý ở hầu hết các quỹ này là tỷ trọng cổ phiếu của Việt Nam rất cao, trong đó có thể kể tới một số quỹ như Magna New Frontiers (tỷ trọng của Việt Nam đạt gần 30%), quỹ MSCI Frontier Markets, quỹ Xtrackers S&P Select Frontier Swap ETF, quỹ Global Investment Funds – Frontier Markets và quỹ Frontier Markets Fonds./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục