TTXVN giành giải nhất giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016

12:50' - 31/05/2017
BNEWS Cơ cấu giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại gồm: 6 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 30 giải khuyến khích; trong đó TTXVN giành 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải khuyến khích.
Toàn cảnh buổi lễ trao giải. Ảnh: Thành Đạt-TTXVN

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016 (tác phẩm báo chí và sách).

Dự lễ trao giải có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan báo chí, xuất bản và các tác giả, nhóm tác giả giành Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016.

Đây là lần thứ ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức. Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại; tạo động lực cho phóng viên, cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản tích cực tham gia tuyên truyền đối ngoại; tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Ban Tổ chức đã nhận được 893 tác phẩm tham dự giải, tăng hơn 21% so với năm 2015. Năm nay có thêm hai loại hình mới - sách và ảnh phong cảnh.

Loại hình báo in có 349 tác phẩm; báo điện tử 204 tác phẩm; phát thanh 61 tác phẩm; truyền hình 112 tác phẩm; ảnh 106 tác phẩm; sách 61 tác phẩm.

Các tác phẩm tham dự giải được thể hiện bằng 17 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Slovakia, Tây Ban Nha, Bungary, Hungary, Ba Lan, Trung Quốc, Nhật, Lào, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Ba Tư (tăng 6 ngôn ngữ so với năm trước).

Đối tượng tham gia giải thưởng đa dạng, bao gồm: nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, nhà nghiên cứu; nhiếp ảnh gia; nhà xuất bản; đại sứ Việt Nam ở nước ngoài; đại sứ nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài những cây bút chuyên nghiệp, rất nhiều kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã nhiệt tình tham gia giải thưởng.

Ban Tổ chức đã chọn 69 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích theo các loại hình, thể loại: báo in tiếng Việt; báo điện tử tiếng Việt; báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài; phát thanh; truyền hình; ảnh; sách. Cơ cấu giải thưởng gồm: 6 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 30 giải khuyến khích; trong đó TTXVN giành 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải khuyến khích.

Trong Giải thưởng năm nay, đề tài mà thể loại ảnh tập trung là các hoạt động chính trị, ngoại giao của đất nước, vấn đề biển, đảo, văn hóa, thiên nhiên môi trường và biến đổi khí hậu. Tác phẩm “Bầu cử sớm ở Trường Sa” (giải Nhất) của tác giả Trần Lê Lâm (Ban biên tập Ảnh TTXVN) được Ban Giám khảo đánh giá là có hiệu quả thông tin đối ngoại rất cao, kỹ thuật nhiếp ảnh tốt, nội dung gắn kết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải Nhất cho tác giả Trần Lê Lâm (Ban Biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Ở loại hình báo điện tử, đáng chú ý là chùm bài được báo VietnamPlus (TTXVN) dựng công phu, trình bày theo lối mega-story với những hình ảnh lớn rất đẹp về Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa tại Hà Nội (giải Nhì).

Với tác phẩm này, lần đầu tiên ở Việt Nam một sản phẩm báo điện tử sử dụng công nghệ video 360 độ với một phóng sự ngắn ngay tại đêm diễn. Đây là một trong số ít những tác phẩm báo điện tử có phong cách hiện đại tham gia Giải thưởng năm nay.

Báo Tuổi trẻ đoạt giải cao trong loại hình báo in với tác phẩm “Phía sau những con tàu giữ biển”, với đánh giá của Ban Giám khảo là “đặc biệt xuất sắc”. “Giấc mơ Made in Vietnam sánh ngang Made in Japan” của Kênh phát thanh Đối ngoại quốc gia (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam lại khai thác một chủ đề tương đối mới, với ngôn ngữ tiếng Nhật nhuần nhụy, trong sáng, cách tiếp cận độc đáo và giàu thông tin. Cũng nói về trí tuệ Việt Nam, tác phẩm “Ngày trở về: Dấu chân người Việt” của nhóm tác giả Ban Truyền hình đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam là những câu chuyện đặc sắc về các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, khiến chúng ta thêm tự hào về sự sáng tạo và tưu duy đột phá của những người con dòng máu Lạc Hồng.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trao bằng chứng nhận giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả giành giải Nhất, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016.

Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, tư tưởng và đối ngoại của Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề khu vực và quốc tế; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc, những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới.

Thông tin đối ngoại cũng có nhiệm vụ thông tin kịp thời các vấn đề quốc tế nổi bật, đáng quan tâm đến các tầng lớp nhân dân trong nước; kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; cung cấp thông tin đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đồng thuận và đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016 cho thấy uy tín của giải thưởng, hiệu quả của việc triển khai công tác thông tin đối ngoại thời gian qua được nâng lên đáng kể, qua đó cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới.

Nhân dịp này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị lực lượng làm thông tin đối ngoại tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại theo hướng hiệu quả, thiết thực; tăng cường nguồn lực, đổi mới nội dung, phương thức, mở rộng phạm vi đến các đối tượng và địa bàn khác nhau nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục