TTXVN xuất bản sách với nhiều dự báo quan trọng của các nhà lãnh đạo cho năm 2020

10:56' - 24/01/2020
BNEWS "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết" là chủ đề cuốn sách do TTXVN xuất bản trong những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, TTXVN mua bản quyền xuất bản ấn phẩm thường niên số đặc biệt nhìn lại 2019 và dự báo 2020 của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate và bổ sung nhiều bài viết của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Với hàm lượng tri thức cao, ấn phẩm này được đánh giá là đặc biệt hữu ích đối với các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như lãnh đạo doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài viết riêng cho cuốn sách, với tựa đề: "Vai trò của Quốc hội Việt Nam trong cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập trong thời kỳ phát triển mới". Cuốn sách năm nay còn có các bài viết của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Cuốn sách "Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết" tập hợp những phân tích, dự báo về các vấn đề chính trị, kinh tế, công nghệ, môi trường… mà tác giả là các nguyên thủ quốc gia (Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Pakistan Imran Khan), các nhà lãnh đạo kinh tế (Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Roberto Azevêdo, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Thế giới Penelopi Goldberg), các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel và nhiều nhân vật tên tuổi ở các lĩnh vực khác nhau.

Qua các bài viết, có thể thấy những biến động dân túy và dân tộc chủ nghĩa tiếp tục lan nhanh trong năm 2019. Ngay cả khi đạt được một "thỏa thuận", cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc vẫn khiến các doanh nghiệp trên khắp thế giới hoang mang, và dường như đang kích động một quá trình "phản toàn cầu hóa" gây gián đoạn khi chủ nghĩa bảo hộ leo thang là nguyên nhân khiến các công ty muốn chuyển lại sản xuất về nước và bố trí chuỗi cung ứng gần nhà hơn. Mối nguy hiểm này xuất hiện cùng lúc với tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.

Châu Âu và nhiều khu vực khác đang ngày càng tiến gần suy thoái, và nước Mỹ cũng vậy. Khi đợt suy thoái sắp tới thực sự ập tới, các nhà hoạch định chính sách kinh tế sẽ chẳng có mấy công cụ để đối phó.

Các ngân hàng trung ương lớn gần như không thể kích thích nền kinh tế, và nợ chính phủ trên toàn thế giới đang ở mức cao kỷ lục…

Trong bối cảnh các dàn xếp địa chính trị, các chuẩn mực chính trị, các mô hình kinh doanh và thậm chí cả những học thuyết kinh tế dòng chính lâu đời liên tiếp bị thách thức hoặc phá vỡ, người ta đang nỗ lực tạo ra một nền tảng mới cho hòa bình và sự thịnh vượng trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, năm 2019 nền kinh tế đã đạt những thành quả tưởng chừng như rất khó đạt được, GDP tiếp tục tăng trưởng vượt mức 7%, mức hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, đồng thời duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động…

Mặc dù chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng leo thang, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mở cửa, hội nhập, tích cực tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU)… với mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn và mở rộng sang các lĩnh vực mới mang tính "phi truyền thống", như mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước, thương mại gắn với môi trường, lao động…

Tiếp tục thúc đẩy hội nhập, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực, một thị trường cụ thể.

Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tham gia các chuỗi cung ứng mới của khu vực và toàn cầu, giảm dần việc gia công lắp ráp, tăng năng suất lao động, sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, qua đó nâng trình độ phát triển của nền kinh tế.

Hội nhập sâu rộng còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất hơn… 

Từ góc độ tài nguyên, môi trường, khi khối lượng chất thải ngày càng lớn, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, nhiều tài nguyên suy giảm nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng... việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.

Thực tế cho thấy những thành tựu phát triển đất nước luôn gắn chặt với những thành quả cải cách thể chế. Những nỗ lực cải cách thể chế đã tạo động lực, sức bật mới cho sự phát triển đầy ấn tượng của Việt Nam, đặc biệt sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, Quốc hội Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải cách thể chế, xác định khuôn khổ pháp lý để cải cách bộ máy nhà nước, cải cách kinh tế - xã hội, giải phóng các nguồn lực phục vụ sự phát triển đất nước.

Pháp luật về dân sự, kinh tế với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển và phù hợp hơn với các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, với luật pháp và thông lệ quốc tế…

Trong bối cảnh thời đại mới, đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ mới, Việt Nam tiếp tục đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, nguồn lực cho phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Nhìn lại một năm qua và dự báo cho năm mới, các tác giả đã chỉ ra rằng, những nỗ lực tái thiết vẫn là dòng chảy chính trong một thế giới đầy biến động, để tạo ra một nền tảng mới cho hòa bình và thịnh vượng ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục