Từ 8/6, nhiều quy định mới về đăng kiểm chính thức có hiệu lực

14:26' - 08/06/2023
BNEWS Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ 8/6/2023, với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý.

* Mỗi dây chuyền kiểm định cần tối thiểu 2 đăng kiểm viên

Theo đó, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: đơn vị đăng kiểm xe cơ giới gồm các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới.

Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn.

Đơn vị đăng kiểm phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm đăng kiểm, cùng đó nhân lực gồm: có ít nhất 1 lãnh đạo đủ điều kiện ký giấy chứng nhận đăng kiểm (đăng kiểm viên bậc cao hoặc tối thiểu có 36 tháng thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên). Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định (trước đây quy định tối thiểu là 3 đăng kiểm viên, trong đó ít nhất 1 đăng kiểm viên bậc cao).

Về điều kiện thực tập đối với người học lấy chứng chỉ đăng kiểm viên, Nghị định mới duy trì quy định: Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên và mở rộng, rút ngắn thời gian thực tập với một số đối tượng: "Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 tháng đến 24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 3 tháng (Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô căn cứ hợp đồng làm việc với học viên và hồ sơ bảo hiểm xã hội để xác nhận và chịu trách nhiệm về thời gian làm việc của học viên tại cơ sở)".

* Sở Giao thông Vận tải cấp phép hoạt động đơn vị đăng kiểm

Về điều kiện cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đơn vị đăng kiểm, nghị định quy định Sở Giao thông Vận tải địa phương là cơ quan cấp phép (thay Cục Đăng kiểm Việt Nam như trước đây).

Về chế tài tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với đơn vị đăng kiểm, đáng chú ý là áp dụng chế tài trên đối với trường hợp đơn vị đăng kiểm: đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định xe cơ giới; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên phạm vi cả nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu kiểm định, truyền số liệu, quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định và cơ sở dữ liệu đăng kiểm viên trên cả nước.

Bộ Tài chính Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về giá.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm: ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về đo lường đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về đo lường.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức triển khai thực hiện Nghị định. Sở Giao thông Vận tải tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan khác trên địa bàn;

Thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định.

Để phù hợp với tình hình các địa phương, Nghị định 30/2023/NĐ-CP quy định: Trường hợp Sở Giao thông Vận tải chưa thực hiện được các nhiệm vụ cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đơn vị đăng kiểm thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện. Kể từ ngày 1/1/2026, Sở Giao thông Vận tải thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định Nghị định 30/2023/NĐ-CP

Kể từ ngày Nghị định 30/2023/NĐ-CP có hiệu lực, nếu Sở Giao thông Vận tải chưa thực hiện được các nhiệm vụ quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 1 của Nghị định này thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện.

Kể từ ngày 1 /1/2026, Sở Giao thông Vận tải thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định tại Nghị định trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục