Từ thương vụ chuyển nhượng Big C: Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp

17:24' - 05/05/2016
BNEWS Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ chứ không làm thay cho các doanh nghiệp tìm hướng đi và tự lớn lên trước cơn bão mua bán, chuyển nhượng siêu thị.

Trước bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết và có hiệu lực, thị trường Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ của rất nhiều Tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Lý do mà Việt Nam được chọn là “điểm đến” của các nhà đầu tư bởi đây là mảnh đất có rất nhiều tiềm năng cũng như khả năng thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do quá chú trọng xuất khẩu nên dường như các doanh nghiệp Việt lại đang bỏ ngỏ thị trường nội địa.

Đây chính là "kẽ hở" để các nhà bán lẻ nước ngoài thâu tóm thị trường và là trở ngại lớn với tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam nếu không có chiến lược phát triển rõ ràng. 
*Tuân thủ qui luật 
Vài ngày qua, dư luận tỏ ra quan tâm, phần nào ái ngại trước việc Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại toàn bộ hệ thống bán hàng của Big C- một thương hiệu nổi tiếng với hàng chục điểm phân phối tại Việt Nam, để trở thành ông chủ mới của hệ thống này.

Đây là diễn biến mới nhất, đánh dấu bước tiến của các doanh nghiệp Thái Lan và cũng thể hiện sự nóng lên trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam; trong đó, những doanh nghiệp quốc tế, giầu tiềm năng từ Thái Lan, Nhật Bản, Pháp…ngày càng chứng tỏ sự quyết tâm và mục tiêu của mình. 

Siêu thị Big C sắp "sang tay" chủ mới. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
 

Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Công ty TNHH Trung Huy chuyên phân phối hàng gia dụng Thái Lan, việc các doanh nghiệp Thái Lan đổ bộ vào lĩnh vực bán lẻ là do thị trường bán lẻ Việt Nam rất nhiều tiềm năng, sức mua lớn.

Cùng với đó, Thái Lan lại gần Việt Nam và người Thái có tập quán tiêu dùng, khẩu vị, thẩm mỹ giống người Việt. Hơn nữa, hàng Thái Lan lại có ưu điểm là giá hợp lý, chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng nên được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Thái Lan còn được Chính phủ nước này hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất 1%, thậm chí 0%, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lãi vay 6 - 7% nên rất khó cạnh tranh. 
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, dù làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài theo hướng trực tiếp đầu tư hệ thống hay mua lại thương hiệu bán lẻ Việt đều tạo áp lực lớn hơn cho sự tồn tại của hàng Việt trong siêu thị.

Đó là bởi, mỗi nhà bán lẻ nước ngoài đều có mạng lưới cung cấp riêng tạo nên sự đặc sắc và định vị thương hiệu trên đường chinh phục thị trường thế giới.

Không có lý do gì để họ tiếp tục duy trì một hệ thống sản phẩm cũ khi mua lại hay đầu tư một thương hiệu bán lẻ Việt.

Do vậy, không nên quá “lăn tăn” trước việc các doanh nghiệp thực hiện mua bán một phần hay toàn bộ dự án của nhau, vì đó là xu hướng tất yếu đã được báo trước và điều đó phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam. 
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho hay, cần nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn trong cuộc mua bán này bởi cả bên bán và bên mua đều có mục đích tiêng của họ.

Về phía doanh nghiệp Việt, họ chọn cách bán lại hệ thống để bảo toàn vốn hoặc cân đối tài chính của họ trong chiến lược toàn cầu, tránh phải đối đầu với những “hòn đá tảng” trong tương lai.

Ngược lại, bên mua thay vì phải mất 3 năm vất vả mới có được rẻo đất cỏn con thì nay họ chỉ cần vài tháng là có thể sở hữu ngay một địa điểm đắc địa để chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân. 
Dưới cái nhìn của giới phân tích, Big C được ví như “cô gái đẹp” khiến nhiều đại gia dòm ngó và thèm khát được chiếm lĩnh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài chẳng khác nào các đại gia muốn khẳng định sức mạnh của mình nhờ ưu thế trường vốn, năng lực quản lý tốt cũng như kinh nghiệm và thương hiệu nổi bật trên thương trường.

Vì thế, đây là việc hết sức ngẫu nhiên giữa bên mua và bên bán trong kinh doanh.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lưu tâm nhất ở đây là cơ quan chức năng cần theo dõi và hướng dẫn để họ triển khai kịp thời, đúng luật cũng như tránh trốn thuế, lách luật của các doanh nghiệp nước ngoài. 
Một điều đáng buồn hiện nay là các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang ngày càng bộc lộ những yếu kém mang tính cố hữu, do chậm đổi mới, phát triển manh mún, quy mô nhỏ lẻ.

Đây là nguyên nhân dẫn đến sự đuối sức trong cuộc tranh đua với các đại gia nước ngoài.

Chính vì vậy, đã không ít doanh nghiệp đề xuất cần thêm nhiều hơn nữa cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, nhân lực…để có thể cầm cự và trụ vững trên thị trường. 
* Giành lại thị phần
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ chứ không làm thay cho các doanh nghiệp tìm hướng đi và tự lớn lên trước cơn bão này.

Không còn cách nào khác, ngoài việc bản thân doanh nghiệp phải chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Không những thế, các doanh nghiệp lớn phải đảm bảo được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ để tạo sự liên kết chuỗi và tạo thế vững chắc trước làn sóng hội nhập. 

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C – TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Đưa ra một minh chứng cụ thể, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hiện nay tại các quầy kệ của nhiều siêu thị vẫn còn bày bán nhiều hàng ngoại; trong đó chủ yếu là hàng Thái Lan.

Đây là một cách gián tiếp quảng bá cho hàng hóa và thương hiệu của họ. Vì thế, ngay từ bây giờ, dù chậm nhưng chưa muộn các siêu thị nên thay đổi lại phương thức bán hàng và chủ động bày bán sản phẩm Việt Nam như một hành động ủng hộ hàng Việt.

Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu dùng; tạo kênh phân phối riêng, độc quyền và khẳng định được nguồn gốc sản phẩm từ đó tạo lòng tin với người tiêu dùng và giành lại thị phần đã mất. 
Để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, theo ông Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại và khắc phục nhanh điểm yếu của mình.

Do vậy, các doanh nghiệp cần đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng.

Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu. 
Trong lúc chờ đợi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, từ đầu năm 2016, Công ty nước khoáng Thạch Bích đã tập trung phát triển mạnh hệ thống phân phối tại khu vực miền Nam và các nước Lào, Campuchia thay vì chỉ tập trung ở miền Bắc và miền Trung như trước kia.

Hiện tại, Thạch Bích đã mở gấp đôi điểm bán bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và chiết khấu cao cho đại lý. 
Ông Nguyễn Công Tụ, Giám đốc Công ty Vinasoy cho biết, mới đây công ty đã đầu tư 900 tỷ đồng xây dựng thêm một nhà máy ở Bình Dương và dự kiến cung cấp thêm cho thị trường 90 triệu lít/năm.

Nhà máy này không chỉ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng miền Nam một cách nhanh chóng mà giá thành cũng cạnh tranh hơn do giảm được chi phí vận chuyển.

Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của Vinasoy với các đối thủ nước ngoài. 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan khuyến cáo các doanh nghiệp cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các siêu thị lớn nhỏ của Việt Nam phải có những biện pháp kiểm soát hàng nhập để kích thích sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phát triển. 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có giữ được thương hiệu hay không, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Vì vậy, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế từ các sản phẩm thế mạnh để xây dựng thương hiệu cho mình./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục