Tuần giao dịch tới nên đầu tư vào cổ phiếu nào?

15:55' - 13/08/2017
BNEWS Sau những thông tin gây bất ổn từ thị trường trong nước và quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch với khá nhiều biến động.
Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Vndirect. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 7-11/8), VN-Index giảm 16,6 điểm xuống 772,08 điểm; HNX-Index giảm 1,08 điểm xuống 100,86 điểm. Sắc xanh chỉ được thể hiện duy nhất vào phiên đầu tuần, bốn phiên còn lại thị trường đều chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân ngân hàng là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm với hầu hết các mã trong nhóm này giảm sâu như: SHB giảm 3,7%, MBB giảm 9%, CTG giảm 4,8%, BID giảm 6,5%, STB giảm 5,9%, ACB và VCB đều giảm 1,6%, NVB giảm 1,3%, EIB giảm 4,2%.
Nhìn vào diễn biến của thị trường có thể nhận thấy, những tin xấu đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường, làm cho thị trường bị bán tháo mạnh. Đặc biệt khi thị trường phản ứng như vậy chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung không còn sự chắc chắn. Đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chốt lời của nhiều nhà đầu tư vì những lo ngại về khả năng thị trường chứng khoán giảm giá.
Theo các nhà quan sát, trong ngắn và trung hạn thị trường đã xác định được xu hướng tăng, nhưng do tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hồi phục sau những phiên giảm điểm mạnh nên nhịp điều chỉnh nhiều khả năng còn hiện hữu trong tuần giao dịch kế tiếp.
Tuần giao dịch vừa qua cũng chứng kiến sự lao dốc của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Cụ thể, HCM giảm 5,5%, SSI giảm 5,1%, SHS giảm 4,2%,VCI giảm 0,8%.
Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, yếu tố tích cực hỗ trợ nhóm cổ phiếu này tăng giá đó là sản phẩm phái sinh bắt đầu triển khai chính thức từ ngày 10/08.
Tuy nhiên theo các chuyên gia thì thông tin tốt này đã phản ánh vào giá nên không còn mấy tác dụng hỗ trợ nhóm này tăng trưởng trong tuần tới.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có thời gian tăng trưởng rất dài với mức tăng khá mạnh, vì vậy nhóm cổ phiếu này trước mắt cũng cần thời gian tích lũy và điều chỉnh.
Theo các nhà quan sát, tâm lý mua mới của nhà đầu tư chưa xuất hiện nhiều, thay vào đó là quan sát và chờ đợi việc M&A của các doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước tại SAB và BHN, hay là việc nới room cho nhà đầu tư ngoại.
Dẫn chứng cụ thể là cổ phiếu FPT và MWG đang có những câu chuyện riêng về mua bán và sáp nhập đã giúp cho xu thế tăng giá khá mạnh của 2 cổ phiếu này.
Nhìn vào giao dịch 2 phiên cuối tuần có thể thấy 2 cổ phiếu này hồi phục tăng trưởng rất tốt. Theo đó, tổng mức tăng trong 2 phiên cuối tuần của cổ phiếu FPT là 2,1% và MWG tăng 1,5%.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự bật tăng trở lại của nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng vào 2 phiên cuối tuần như MSN, VNM, DHG, PNJ . Tổng 2 phiên cuối tuần (từ 10 đến11/8) MSN tăng 1,7%, VNM tăng 1%, DHG tăng 1,1% và PNJ tăng 2%.
Việc các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng bật tăng trở lại vào hai phiên cuối tuần qua phản ánh đúng xu hướng hiện nay của nhà đầu tư là đang “nghi ngại”. Khi nhà đầu tư còn nhiều “nghi ngại” họ sẽ tìm điểm đến sự an toàn và nhóm cổ phiếu được cho là an toàn vẫn thuộc ngành hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên theo các nhà quan sát thì cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng ít khi “đẩy” được thị trường lên, giả sử thị trường có đi lên thì nhà đầu tư cũng ít khi thắng lớn.
Theo anh Nguyễn Văn Hanh, chuyên viên môi giới công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS), cổ phiếu nhóm ngành tiêu dùng trong thời điểm này có vẻ là thích hợp cho việc đầu tư khi mà thị trường đang có sự điều chỉnh tại một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Anh Hanh cũng cho rằng, nhiều khả năng thị trường trong tuần tới sẽ có một đợt giảm nữa nhưng không giảm sâu. Nếu thị trường diễn biến tốt hơn thì có thể là đi ngang tích lũy.
Rõ ràng là tâm lý nghi ngại đã bao trùm thị trường, tuần giao dịch qua, thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với tuần giao dịch trước với gần 4.700 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch.
Bên cạnh đó, khối ngoại trên thị trường giao dịch cũng không còn hưng phấn như các tuần trước đó. Đặc biệt, trên HOSE, khối ngoại đã có phiên bán ròng nhẹ trở lại sau chuỗi 14 phiên mua ròng liên tiếp.
Tổng khối lượng mua ròng cả hai sàn HOSE và HNX đạt 10,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 361 tỷ đồng. Con số này đã giảm hơn một nửa so với tuần trước đó (750 tỷ đồng).
Nhiều công ty chứng khoán cũng có cái nhìn không mấy tích cực đối với thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch sắp tới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC dự báo, thị trường sẽ tiếp tục biến động trong các phiên đầu tuần tới.
Công ty này khuyến nghị duy trì vị thế ở mức không quá rủi ro, giữ lại các mã cổ phiếu cơ bản đầu ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.
Hoạt động mua vào ở nhóm cổ phiếu mang tính thị trường cao nên được hạn chế trong bối cảnh nhóm này đã tăng nóng và biến động thị trường đang ở mức kém ổn định.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC, các chỉ số giảm nhẹ với thanh khoản ở mức rất thấp. Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá dè dặt. Các chỉ số đang ở gần ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, tuy vậy nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ các tín hiệu đảo chiều xuất hiện.
Công ty Cổ phần chứng khoán FPT - FPTS cho rằng, sau những thông tin gây bất ổn từ thị trường trong nước và quốc tế, đà giảm của chỉ số trong phiên cuối tuần có thể sẽ kéo theo tâm lý bi quan hơn của bộ phận nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Điều này sẽ là yếu tố gây bất lợi cho sự vận động của chỉ số tại các mốc hỗ trợ trong tuần kế tiếp.
FPTS khuyến nghị các hoạt động giải ngân vẫn nên thận trọng và hạn chế nếu không xuất hiện tín hiệu phản hồi tích cực hơn của giá khi tiệm cận khu vực 760 - 770 điểm. Nhóm nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp được khuyến nghị đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này.

>>>Nhà đầu tư cần chú ý gì khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục