Tuần lễ Công trình xanh thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa chiều

16:36' - 26/09/2022
BNEWS Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 là diễn đàn mở uy tín, thúc đẩy đối thoại, kết nối hợp tác đa chiều với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế...

Sau thành công của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13 và 14/10/2022.

Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 với chủ đề "Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26" do Bộ Xây dựng chủ trì, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), IEC Consulting và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức. 

Bộ Xây dựng cho biết, đây là diễn đàn mở uy tín, thúc đẩy đối thoại, kết nối hợp tác đa chiều với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương; các tổ chức quốc tế; các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các đơn vị phát triển, quản lý dự án, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn – thiết kế, các kiến trúc sư và các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng những doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu, thiết bị và công nghệ sử dụng trong các công trình xây dựng.

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đã đạt được các mục tiêu quan trọng và thể hiện quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới. COP26 đã đưa ra 4 mục tiêu là: đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,50C; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên; huy động tài chính cho lời hứa 100 tỷ USD; đoàn kết vì mục tiêu khí hậu. Tại COP26, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Thực tế, các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược và Kế hoach hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững…

Các bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt "Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26"...

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.

Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Từ thực tế này đòi hỏi việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh phải là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng. Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh, những năm qua Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế.

Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với Công tu Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hành Thế giới (WB) để soát xét, ban hành QCVN 09:2013/BXD và từ năm 2015 đã hợp tác để phát triển công cụ đánh giá, chứng nhận công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và năng lượng theo chứng chỉ EDGE (chứng chỉ công nhận công trình xanh).

Việc tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam đã trở thành sự kiện thường niên của ngành xây dựng, góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục