Triển vọng kinh tế Malaysia trong những năm tới

05:30' - 20/07/2023
BNEWS Trong giai đoạn sắp tới, nền kinh tế Malaysia có thể đối mặt với những thử thách của một xã hội già hóa, căng thẳng tài chính gia tăng và nhu cầu phân phối lại thành quả tăng trưởng.

Theo nhà báo Daniel Moss phụ trách mảng tin kinh tế châu Á của Bloomberg, những năm bùng nổ của Đông Nam Á có thể đã đi qua, nhưng nhìn chung khu vực đang dần trở nên thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, không có nhiều quốc gia có thể chứng tỏ thành tích và sự vượt trội như Malaysia. Hiện nước này đang đặt mục tiêu tham gia vào câu lạc bộ thống trị bởi các nền kinh tế tiên tiến.

Malaysia đã đóng vai trò lãnh đạo trong số các thị trường mới nổi, có thể thuyết phục phương Tây và đã có ghi nhận về kết quả kinh tế. Malaysia đã đánh bóng vị thế này khi kiểm soát được vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Tuy nhiên, Malaysia đã đối mặt với nhiều khó khăn vào những năm sau đó, gồm vụ bê bối quỹ đầu tư quốc gia 1MDB, vụ mất tích của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines và một hệ thống chính trị trở nên dân chủ nhưng hỗn loạn hơn.

Giai đoạn sắp tới trong lịch sử của Malaysia mang đến những thử thách của một xã hội già hóa, căng thẳng tài chính gia tăng và nhu cầu phân phối lại thành quả tăng trưởng rộng hơn thay vì chỉ tập trung cho đa số các sắc tộc đã được hưởng đặc quyền đáng kể. Malaysia cũng sẽ cần tìm ra phương thức mới để vượt qua sự cạnh tranh thương mại và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dự kiến trong năm 2028, Malaysia có khả năng đạt được vị thế của một nền kinh tế có thu nhập cao theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), sau nhiều thập kỷ là một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Apurva Sanghi, chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB tại Malaysia chia sẻ rằng Malaysia đang đi đúng hướng nếu như không có bất cứ cú sốc bất ngờ nào xảy ra.

Mỗi năm một lần, WB cập nhật tư cách thành viên, được xác định bằng tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người. Cuối tháng Sáu vừa qua, ngưỡng này đã được nâng lên 13.845 USD (64.545 RM). GNI của Malaysia đứng ở mức 11.780 USD (54.918 RM).

Các cột mốc trước mắt

Theo chuyên gia kinh tế Apurva Sanghi, trong số hơn 200 quốc gia được WB giám sát, khoảng 80 nước đã đạt đến cấp độ ưu tú này và Malaysia đã dành vài thập kỷ chờ đợi. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều yếu tố cần tính tới đối với một nền kinh tế. Ví dụ, trước đại dịch, tình trạng suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em ở Malaysia “cao bất thường” và của cải tập trung ở một số ít trong 13 bang và 3 vùng lãnh thổ.

Tại Indonesia, nước láng giềng rộng lớn hơn, Tổng thống Joko Widodo đã ưu tiên các chính sách nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Điều đó khó có thể xảy ra trước khi ông rời nhiệm sở vào năm 2024. WB đã đưa Indonesia trở lại mức trung bình cao trong các tính toán mới nhất được công bố ngày 30/6, sau khi ghi nhận sự trượt xuống mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2021.

Trong khi đó, Malaysia không thực sự chạy nước rút qua vạch đích. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể và nước này chưa thực sự lấy lại được sức hút sau cuộc khủng hoảng châu Á giai đoạn 1997-1998. Malaysia cũng cần giải quyết tình trạng chảy máu chất xám khiến nhân tài hàng đầu tìm đến sang Mỹ, Nhật Bản và Singapore.

Triển vọng của lĩnh vực bán dẫn

Nhiều kỳ vọng đang được đặt vào bang Penang của Malaysia, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Tây vốn là mắt xích có giá trị trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.

Chất bán dẫn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và công nghiệp hóa của Malaysia kể từ đầu những năm 1970. Đây sẽ là thời điểm tốt nhất, với sự cạnh tranh gay gắt giữa  Mỹ và Trung Quốc, và các khách hàng đang tìm cách làm cho chuỗi cung ứng của họ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, Malaysia, nhà cung cấp chip lớn nhất châu Á cho Mỹ, đang gặp khó khăn trong việc tận dụng thời điểm này. Chip chỉ chiếm 1/5 lượng hàng nhập khẩu của Mỹ tính đến tháng 4/2023, giảm so với 1/3 cùng thời điểm năm 2022 và đang mất dần vị thế trước các đối thủ trong khu vực. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã tăng các lô hàng trong năm 2023. Ngay cả Campuchia cũng đang giành thị phần.

Theo Wong Siew Hai, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, vấn đề lớn về lâu dài là sự phụ thuộc vào thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn, trái ngược với các lĩnh vực sinh lợi hơn như thiết kế chip. Từng làm việc cho Intel và Dell, ông Wong đã có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông cho hay: “Chìa khóa là cuộc chiến về nhân tài. Chúng tôi đang thua các nước khác. Thế giới là một nhà tuyển dụng, không chỉ Malaysia”.

Tỷ lệ sinh giảm

Mặt khác, Malaysia đang già hóa nhanh chóng. Báo cáo của WB cuối năm 2020 đã so sánh số lượng người cao tuổi đang tăng với tốc độ tương tự như Nhật Bản. Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đều phải đối mặt với tổng tỷ suất sinh đang giảm. WB dự báo Malaysia sẽ chuyển từ một xã hội đang già hóa sang một xã hội già hóa vào năm 2044, nghĩa là 14% dân số sẽ từ 65 tuổi trở lên. Chưa đầy một thập kỷ sau, đó sẽ là “xã hội siêu già” với con số ít nhất là 20%. Điều đó sẽ đặt Malaysia vào nhóm của các nước gồm Nhật Bản, Đức, Italy, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…

Perak là một trong những bang bị thách thức nhất về mặt nhân khẩu học trong số các bang của Malaysia.

Joon Moi Jones, người quản lý Ngôi nhà Perak dành cho người cao tuổi, cho rằng chăm sóc người cao tuổi có thể được coi là một ngành công nghiệp đang bùng nổ. Ông Jones cho rằng: “Ipoh giống như một ngôi nhà dưỡng lão. Đó là một dân số đang già đi. Những người trẻ tuổi đến các thành phố như Kuala Lumpur hoặc Penang”. Ông Jones đang mô tả về những gì tương tự như ở vùng nông thôn Nhật Bản hoặc miền trung Hàn Quốc, hoặc cách thường mô tả khu công nghiệp Trung Tây Mỹ hoặc miền Bắc nước Anh.

Ngân sách của Malaysia đã rơi vào căng thẳng kể từ khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, khi đó ở độ tuổi 90, bãi bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), thực hiện lời hứa trước cuộc bầu cử năm 2018. Thuế tiêu dùng không phổ biến ở hầu hết các nơi nhưng có rất ít sự thay thế. Singapore gần đây đã tăng GST và Nhật Bản đã thúc đẩy các đợt tăng giá gây tranh cãi.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên nắm quyền giai đoạn 1981-2003, Thủ tướng Mahathir đã nhiệt tình thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua một số biện pháp. Chẳng hạn “Tầm nhìn 2020” đã đưa ra các chính sách và các khoản đầu tư vào đường sá, giao thông vận tải và ưu tiên chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Những sáng kiến khác sau đó có thể kể đến như một sân bay mới được cho là để cạnh tranh với Singapore và sự đổi mới ấn tượng cho trung tâm thủ đô Kuala Lumpur. 

Thủ tướng Anwar Ibrahim, người nhậm chức vào tháng 11/2022, có vẻ như nhận ra nhu cầu và động lực của một thời đại khác. Chính phủ của ông Anwar luôn nhấn mạnh “Malaysia Madani” là sự hòa hợp xã hội và gợi ý về một thời kỳ phát triển vững chắc, thay vì chạy theo những con số GDP.

Những trở ngại mà Malaysia đang phải đối mặt không phải là trở ngại của một đất nước đang cố gắng kéo dài thời gian, mà thực tế phức tạp hơn nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục