Tương lai thỏa thuận thương mại tự do Canada – Trung Quốc (Phần 1)

17:02' - 31/03/2017
BNEWS Giữa bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng bài thương mại tự do đang nổi lên, Canada và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác, sẵn sàng bỏ qua các mô hình FTA cũ để tạo ra một thỏa thuận mới cùng có lợi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và người đồng cấp Canada Justin Trudeau. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - cổng thông tin chuyên khảo về Trung Quốc do 5 cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Canada phối hợp thành lập – vừa đăng loạt bài viết về triển vọng thúc đẩy thương mại tự do Canada – Trung Quốc.

Theo các tác giả, thay vì tìm kiếm một Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) thông thường, hai nước nên xem xét thảo luận Thỏa thuận Đối tác Kinh tế (EPA) có phạm vi bao trùm hơn. Ngoài ra, các tác giả cũng lưu ý đến những ảnh hưởng đối với quá trình đàm phán EPA do tác động từ những điều khoản trong Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế Toàn diện Canada – EU (CETA), hay bất kỳ nội dung thay đổi nào trong Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trong bài viết mang tựa đề “Kinh tế trước Chính trị”, hai tác giả John Gruetzner và Phil Calvert cho biết Canada và Trung Quốc đã khởi động các cuộc thảo luận thăm dò về một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Quyết định trên được thông báo trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Canada Justin Trudeau và chuyến thăm Canada của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 9 năm ngoái.

Việc Canada mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc và thúc đẩy thương mại song phương là bước đi tích cực. Nếu được đàm phán và thực hiện tốt, thỏa thuận này sẽ tạo cơ chế ràng buộc xóa bỏ rào cản thuế quan và mang lại nhiều lợi ích cho người dân hai bên.

Về lý thuyết, FTA sẽ loại bỏ hoặc hạn chế đáng kể rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ của Canada xuất sang Trung Quốc. Việc đạt được thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp Canada tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách công bằng, thực sự và minh bạch, nhưng cũng sẽ tạo ra thách thức đáng kể đối với Trung Quốc.

Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế mạnh mẽ kể từ những năm 1970 và đề ra thêm nhiều mục tiêu cải cách tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản năm 2012. Nhiều mục tiêu trong số này không trở thành hiện thực và mặc dù có thể sẽ lại có thêm nhiều mục tiêu khác được thông qua tại Đại hội Đảng vào cuối năm nay, nhưng tại thời điểm này rất khó xác định quy mô, tốc độ và hiệu quả thực hiện các mục tiêu đó.

Các tác giả lưu ý khi đàm phán FTA chính thức được khởi động, Canada cần phải theo sát các thay đổi chính sách của Trung Quốc để điều chỉnh các mục tiêu và vị thế đàm phán của mình một cách tương ứng.

Đối với Canada, một thỏa thuận công bằng, hợp lý và hiệu quả phải loại bỏ được những trở ngại mang tính hệ thống, mà một vài trong số đó có thể nằm ngoài các điều khoản và điều kiện của một FTA truyền thống.

Ví dụ gần đây, Trung Quốc đưa ra quy định tất cả các khoản tiền chuyển ra nước ngoài có giá trị trên 5.000 USD sẽ phải có giấy phép của Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE). Tuy nhiên, quá trình duyệt cấp giấy phép thường rất chậm và không minh bạch.

Ngoài ra, các công ty thăm dò và khai thác mỏ khi muốn mở dự án mới thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xin giấy phép của hệ thống chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc.

Trung Quốc không coi thuế giá trị gia tăng (VAT) và việc hoàn thuế xuất khẩu là các hình thức hỗ trợ xuất khẩu nên sẽ tạo ra những cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp Canada.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về các quy định ở Trung Quốc thể hiện rõ sự không công bằng, không minh bạch và cách thức đối xử với các công ty nước ngoài không phù hợp với quy định quốc tế.

Cũng xét trên phương diện lý thuyết, FTA có thể giúp các công ty tăng lợi thế ngắn hạn trên thị trường nhưng các yếu tố mang tính hệ thống thường sẽ hạn chế tác động của một FTA tiêu chuẩn. Vì thế Canada cần phải xem xét một khuôn khổ rộng hơn cho các cuộc đàm phán vượt ngoài FTA thông thường.

Theo hai tác giả John Gruetzner và Phil Calvert, một Thỏa thuận Đối tác Kinh tế (EPA) tập trung vào các vấn đề mang tính hệ thống và đặt trong khuôn khổ của một chương trình hợp tác kinh tế rộng hơn với Trung Quốc có thể sẽ là lựa chọn tối ưu cho Canada, giúp thúc đẩy thương mại tự do một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai nước, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ chương trình cải cách của Bắc Kinh.

Tuy nhiên thảo luận EPA sẽ mất nhiều thời gian hơn so với một FTA tiêu chuẩn và cần được tiến hành theo nhiều giai đoạn.

EPA không chỉ giúp mỗi bên giải quyết được các vấn đề mang tính hệ thống mà còn xây dựng lòng tin về hệ thống của nhau và tạo ra tác động lớn hơn. Nó cũng sẽ dễ dàng được công chúng Canada chấp nhận hơn và làm giảm nguy cơ dẫn tới các thỏa hiệp đảng phái trước thềm cuộc bầu cử tiếp theo ở Canada.

Một EPA bao gồm thành tố hợp tác kinh tế và thương mại cũng sẽ có lợi cho hệ thống thương mại toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa đang bị chỉ trích, các chính sách bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa và hướng nội ngày càng trở thành chủ đề nổi bật trong các nghị trình chính trị toàn cầu.

Do đó, hợp tác kinh tế và thương mại trong khuôn khổ EPA sẽ giúp mở rộng thương mại song phương để hậu thuẫn cho chủ nghĩa toàn cầu và các nghị trình thương mại toàn cầu tiến bộ, trong đó đề cao vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hội nhập vào hệ thống thương mại quốc tế vận hành dựa trên nguyên tắc.

Hướng đi này cũng sẽ phù hợp với các ưu tiên công khai của cả Thủ tướng Trudeau và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ví dụ như Canada có thể cùng Trung Quốc đảm bảo thực thi Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles) trong lĩnh vực tài chính, minh bạch đầu tư và chống gian lận khai thác dầu khí ngoài khơi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục