Tương lai vô định của ngành ngân hàng thế giới hậu giải cứu Credit Suisse

06:30' - 25/03/2023
BNEWS Một cảm giác sợ hãi đang len lỏi vào ngành ngân hàng thế giới. Đây là một cảm xúc khá xa lạ, đặc biệt là với tình hình "sức khỏe" rất tốt của các ngân hàng thời gian qua.
Một cảm giác sợ hãi đang len lỏi vào ngành ngân hàng thế giới. Đây là một cảm xúc khá xa lạ, đặc biệt là với tình hình "sức khỏe" rất tốt của các ngân hàng thời gian qua. Các ngân hàng thế giới đang được vốn hóa và quản lý tốt hơn nhiều so với 15 năm trước, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu biến hàng trăm trong số chúng thành đống đổ nát.

* Niềm tin "bốc hơi”

 Tuy nhiên, tháng 3/2023 đã chứng kiến sự sụp đổ của bốn ngân hàng, bắt đầu với Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và lên đến đỉnh điểm - mà cũng có thể chưa phải đỉnh điểm - với cuộc giải cứu ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ), chứng tỏ rằng mọi thứ trong lĩnh vực ngân hàng đều đang bất ổn. Niềm tin của khách hàng đối với một ngân hàng có thể "bốc hơi" chỉ sau một đêm, ít nhất là trên giấy tờ, dù cho không có dấu hiệu nào cho thấy ngân hàng đó là "ứng cử viên" cho sự phá sản sắp xảy ra. Và một khi hoạt động rút tiền hàng loạt (bank runs) bắt đầu diễn ra, nó gần như không thể dừng lại, đặc biệt là với sự ra đời của ngân hàng điện tử. Chỉ cần nhấn một nút và tiền của bạn sẽ biến mất.

Theo lý thuyết, lãi suất tăng cao có thể gây ra suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng đổ vỡ hơn. Khủng hoảng ngân hàng xảy ra vào mỗi thập kỷ hoặc hơn chút. Bởi vậy, có lẽ một cuộc khủng hoảng khác lại đang trên đường hình thành.

Về mặt lý thuyết, việc giải cứu bắt buộc ngân hàng Credit Suisse là không cần thiết, ngay cả khi dòng khách hàng và tiền gửi chảy ra tăng nhanh sau vụ phá sản SVB ngày 10/3. Hầu hết các chỉ số tài chính đo lường "sức khỏe" của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ đều không nằm trong giới hạn đỏ, thậm chí nằm xa mức giới hạn đó.

Credit Suisse đang thua lỗ, nhưng tỷ lệ vốn cấp 1 (thước đo khả năng hấp thụ thua lỗ của ngân hàng) rất phù hợp với mức trung bình của châu Âu. Tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (khả năng tài trợ cho dòng tiền chảy ra của ngân hàng) rất cao mặc dù lượng rút tiền ngày càng tăng. Chỉ riêng trong quý IV/2022, khách hàng đã rút từ ngân hàng này 111 tỷ franc Thụy Sỹ (khoảng 120 tỷ USD), nhưng Credit Suisse vẫn có nhiều tài sản chất lượng cao để có thể bán.

Tình hình "sức khỏe" của ngân hàng Credit Suisse dường như đã khiến các nhà lãnh đạo của ngân hàng này rơi vào thế bị động. Họ đang thúc đẩy các kế hoạch tái cấu trúc để tập trung lại hoạt động kinh doanh chỉ vài ngày trước khi Chính phủ Thụy Sỹ và các cơ quan quản lý yêu cầu Tập đoàn UBS, đối thủ lớn hơn của Credit Suisse, ra tay giải cứu. Vào ngày 19/3, UBS đã đồng ý mua toàn bộ Credit Suisse – một doanh nghiệp phức tạp, không chỉ đơn giản là một ngân hàng – với giá 3,25 tỷ USD, một thỏa thuận được làm dịu bằng một loạt khoản đảm bảo bù đắp tổn thất, bơm thanh khoản và xóa nợ.

Thất bại của Credit Suisse cho thấy nỗi sợ hãi có thể biến khách hàng bỗng chốc trở thành đám đông ồn ào đòi lại tiền của họ. Ngay cả một khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 50 tỷ franc Thụy Sỹ được Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ trao cho Credit Suisse vào tuần trước cũng không thể làm chậm lại dòng tiền chảy ra.

* Đổ lỗi cho ai?

Chắc chắn, yếu tố sợ hãi đã tăng lên đáng kể sau sự sụp đổ của SVB và sự sụp đổ sau đó của ngân hàng Signature và ngân hàng Silvergate, cũng như tình trạng "hấp hối" của ngân hàng First Republic, đã đẩy Credit Suisse vào khủng hoảng.

Một tin đồn đơn thuần được lan truyền trên mạng xã hội có thể tạo ra tia lửa. Sẽ là quá ngây thơ nếu cho rằng cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu sẽ kết thúc với Credit Suisse, đặc biệt là vì sự phổ biến của bảo hiểm tiền gửi đã khuyến khích các ngân hàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn và trở nên cẩu thả trong giám sát tài chính, như đã xảy ra với SVB.

Sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất thấp và nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ làm tăng khả năng nhiều ngân hàng sẽ phá sản, ngay cả khi việc lặp lại trận tàn phá trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 dường như rất khó xảy ra.

Hoảng sợ trước lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương phương Tây, bắt đầu với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào cuối năm 2001, đã tăng lãi suất đều đặn, ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra từ 13 tháng trước, và kéo theo cú sốc năng lượng, đe dọa làm sụt giảm giá dầu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn như Đức, Anh và Italy rơi vào suy thoái.

Việc tăng lãi suất làm tổn thương các ngân hàng theo ít nhất hai cách. Đầu tiên là họ làm xói mòn giá trị của các khoản nắm giữ thường rất lớn của họ trong các trái phiếu dài hạn, có lãi suất cố định chẳng hạn như trái phiếu Chính phủ Mỹ. SVB chứa đầy trái phiếu mất giá và khoản lỗ trong danh mục đầu tư đó đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng này. Thứ hai là việc tăng lãi suất làm tăng tỷ lệ suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) báo cáo vào ngày 15/3 rằng giá nhà đất đang giảm ở hầu hết các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với mức giảm mạnh nhất gần đây được ghi nhận ở Đan Mạch, New Zealand, Thụy Điển và Canada. Tỷ lệ lãi suất thế chấp đang tăng lên, gây căng thẳng cho các hộ gia đình. Vào cuối năm 2022, khoản vay thế chấp có lãi suất cố định trung bình trong 30 năm ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ là 7,1%.

Giá nhà đất giảm có thể là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế đang đến, cũng như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Vào tháng 2/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 3,6%, từ mức thấp nhất trong 50 năm là 3,4% hồi tháng Một - một tín hiệu xấu.

Suy thoái làm tổn thương các ngân hàng. Mọi hoạt động, từ việc chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đến việc bán các khoản thế chấp sẽ chậm lại và tình trạng vỡ nợ sẽ tăng lên nếu suy thoái trở nên nghiêm trọng. Điều đó sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm và giá trị cổ đông đang bị xói mòn.

Mối đe dọa suy thoái kinh tế và chuỗi phá sản ngân hàng khủng khiếp vào tháng Ba đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Việc giải cứu Credit Suisse có thể báo hiệu rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi. Nhưng như bài học mà chúng ta có được trong tháng này, việc rút tiền gửi ngân hàng có thể xảy ra bất ngờ và mạnh mẽ ngay khi niềm tin suy yếu. Còn quá sớm để nói rằng điều đó sẽ không xảy ra nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục