Tuyên bố mới của Mỹ liên quan đến Hiệp ước INF

12:26' - 24/10/2018
BNEWS Ngày 23/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) vào thời điểm thích hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong cuộc gặp tại thủ đô Moskva ngày 23/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu họp báo tại thủ đô Moskva sau cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Bolton đánh giá hiệp ước INF "đã lỗi thời, bị các nước khác vi phạm và phớt lờ".

Theo ông Bolton, các quốc gia khác vẫn có thể sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng như tên lửa hành trình, trong khi Mỹ bị trói buộc bởi hiệp ước này. Ông nhấn mạnh các nỗ lực trước đó nhằm mở rộng hiệp ước với sự tham gia của các nước khác đã không thành công.

Đối với quan ngại việc Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, ông Bolton cho rằng vấn đề này đang bị trầm trọng hóa. Ông cũng nêu rõ hiện Mỹ chưa có quyết định cụ thể về việc có triển khai tên lửa ở châu Âu hay không.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết thêm Washington và Moskva đã thảo luận khả năng soạn thảo một hiệp ước sửa đổi về tên lửa từ năm 2004, nhưng đến nay ý tưởng này vẫn chưa được hiện thực hóa.

INF được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô về việc tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đánh dấu hiệp ước đầu tiên giữa Washington và Moskva về giải trừ vũ khí hạt nhân và được xem là một bước tiến lớn hạn chế chạy đua vũ trang. Ông Bolton mô tả đây là "một hiệp ước song phương thời Chiến tranh Lạnh trong một thế giới đa cực".

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Bolton đang thực hiện chuyến thăm Nga 2 ngày, từ ngày 22/10. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Bolton đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Putin và hàng loạt cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên, ông Bolton đánh giá các cuộc thảo luận của ông với Tổng thống Putin và giới chức cấp cao Nga là "toàn diện và hiệu quả".

Trong đó, cuộc gặp kéo dài 90 phút với Tổng thống Putin đề cập các vấn đề như xung đột tại Syria, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, đặc biệt là các vấn đề kiểm soát vũ khí và hiệp ước INF.

Liên quan INF, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Moskva muốn nhận được giải thích chi tiết từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc phá bỏ các điều khoản trong INF sẽ buộc Nga phải áp dụng các biện pháp an ninh riêng./.

>>> Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ tăng chậm lại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục