Tuyên Quang xúc tiến thu hút 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách

17:40' - 17/02/2025
BNEWS Nhằm thu hút 10.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách và thành lập mới 395 doanh nghiệp, ngày 17/2, UBND tỉnh Tuyên Quang thông tin đã chính thức ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025.

Theo đó, chương trình bao gồm các hoạt động nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

 

Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 của Tuyên Quang tập trung vào việc thu hút chọn lọc nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy triển khai dự án nhanh chóng; phát triển khu, cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Đồng thời, chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất, nhân lực để thu hút dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, du lịch.

Trong những năm tới, tỉnh Tuyên Quang định hướng ưu tiên phát triển toàn diện các ngành kinh tế; trong đó, công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng đảm bảo và dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp mới như: Nhữ Khê - Đội Cấn, An Hòa - Long Bình An, Xuân Vân, Ninh Lai - Thiện Kế… Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp công nghệ cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển Tuyên Quang thành Trung tâm chế biến gỗ công nghệ cao, thu hút đầu tư vào nông nghiệp thông minh, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến cam, chè, dược liệu, tín chỉ carbon rừng…

Về dịch vụ, thương mại và du lịch sẽ đầu tư vào hạ tầng du lịch tại Tân Trào, Mỹ Lâm, Na Hang - Lâm Bình; phát triển trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, y tế và giáo dục hiện đại.

Đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, tỉnh huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, đô thị và công nghệ thông tin để tăng tính kết nối liên vùng và thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng "xanh" gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, tìm kiếm hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, hướng đến các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao.

Năm 2024, Tuyên Quang đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác quốc tế, thu hút các dự án công nghệ cao từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời, có 267 doanh nghiệp mới được thành lập, 24 hợp tác xã được cấp phép, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 2.837 doanh nghiệp. Tỉnh cũng đưa vào hoạt động 16 dự án, điển hình là 2 dự án FDI mang lại giá trị xuất khẩu cao gồm: Nhà máy sản xuất ván sàn tại huyện Yên Sơn (Singapore) và Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA Tuyên Quang (Nhật Bản).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục