Tỷ lệ sinh tại Italy năm 2022 giảm kỷ lục ​

08:46' - 22/03/2023
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chủ tịch Viện thống kê quốc gia Italy (ISTAT), ông Gian Carlo Blangiardo, cho biết nước này tiếp tục ghi nhận tỷ lệ sinh giảm mạnh trong năm 2022.

Phát biểu tại Diễn đàn các hiệp hội gia đình toàn quốc, ông Blangiardo nêu rõ tỷ lệ sinh tại Italy trong 11 tháng của năm 2022 đã giảm 3% so với mức 400.000 trẻ chào đời cùng kỳ năm 2021.

Với đà giảm như vậy, ISTAT ước tính dân số Italy từ mức 59,2 triệu người năm 2021 sẽ giảm xuống lần lượt là 57,9 triệu vào năm 2030; 54,2 triệu vào năm 2050 và chỉ còn 47,7 triệu vào năm 2070.

 

Tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Gia đình và Tỷ lệ sinh Italy Eugenia Roccella nhấn mạnh rằng đang tồn tại vấn đề liên quan quyền của phụ nữ khi nhiều người đã phải bỏ dở công việc. Bà Roccella nhấn mạnh "cần hành động dựa trên việc dung hòa giữa thời gian làm việc và cuộc sống", theo đó, bên cạnh các biện pháp kinh tế xã hội, cần nuôi dưỡng một nền văn hóa khác trong cộng đồng về lợi ích chung và cuộc sống.

Một khảo sát của Viện nghiên cứu ADP vào tháng 11/2022 đối với người lao động có con nhỏ tại Italy cho thấy 41% số người được hỏi mong đợi tăng lương trong năm 2023 và 46% cho biết phải làm thêm giờ không lương ít nhất 6-10 giờ/tuần.

Khoảng 28% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chấp nhận giảm lương để đổi lấy thời gian và không gian làm việc linh hoạt, thoải mái hơn, trong khi 43% cho biết sẽ thay đổi công việc nếu buộc phải quay lại làm toàn thời gian ở văn phòng.         

Theo một khảo sát khác gần đây của INAPP-PLUS, tỷ lệ người lao động có con nhỏ dưới 3 tuổi phải làm thêm giờ không lương tại Italy là 19,2%, cao hơn so với mức 16% ở nhóm không có con nhỏ. Nhìn chung, người có con nhỏ thường phải làm thêm giờ nhiều hơn những người khác và họ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn khi không được trả thù lao thêm giờ.

Dữ liệu đáng báo động nhất cũng liên quan đến nữ giới, với 18% lao động nữ từ 18-49 tuổi không tiếp tục làm việc sau khi sinh con. Trong đó, 52% nghỉ việc vì không thể cân bằng được giữa công việc và chăm sóc con; 29% không được gia hạn hợp đồng hoặc bị sa thải.

Tình trạng lương quá thấp, áp lực làm thêm ngoài giờ, tình trạng thiếu thốn dịch vụ hỗ trợ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ và rủi ro mất việc khiến nhiều cặp vợ chồng tại Italy không muốn sinh thêm con.

Do vậy, để dân số Italy không tiếp tục sụt giảm, các chuyên gia về dân số cho rằng chính phủ và các doanh nghiệp cần có các biện pháp nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho người lao động, nhất là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục