Uber hối thúc Nhật Bản nới lỏng dịch vụ chia sẻ xe

07:42' - 04/06/2024
BNEWS CEO của Uber Technologies Inc., ông Dara Khosrowshahi, đã hối thúc Nhật Bản cho phép các tài xế dịch vụ chia sẻ xe được hoạt động độc lập, thay vì bắt buộc họ phải làm việc cho các công ty taxi.
Giám đốc điều hành (CEO) của Uber Technologies Inc., ông Dara Khosrowshahi, đã hối thúc Nhật Bản cho phép các tài xế dịch vụ chia sẻ xe được hoạt động độc lập, thay vì bắt buộc họ phải làm việc cho các công ty taxi, theo một chương trình nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành giao thông vận tải của nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, ông Khosrowshahi cho biết sẽ có nhiều người sẵn sàng trở thành tài xế lái dịch vụ chia sẻ xe nếu họ có thể làm việc linh hoạt một cách độc lập, đồng thời cho biết thêm rằng mô hình chia sẻ xe kiểu Nhật Bản phát triển chậm chạp vì lệnh cấm các dịch vụ này mới chỉ được dỡ bỏ một phần vào tháng Tư.

 
Mặc dù ông Khosrowshahi cho rằng sự thay đổi này là "một bước tiến đáng kể trong việc mở rộng những lựa chọn phương tiện đi lại cho người dân Nhật Bản và gia tăng cơ hội kiếm tiền cho tài xế", ông vẫn kêu gọi tăng cường tính linh hoạt và loại bỏ các quy định hạn chế như về lịch trình thời gian và khu vực hoạt động.

Ông cũng cho biết Uber sẽ tham gia thị trường Nhật Bản nếu chính phủ nước này dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm đối với các dịch vụ gọi xe và cho phép các công ty không phải taxi tham gia thị trường này.

Theo quy định hiện hành, được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu tài xế taxi trên toàn quốc, các công ty taxi có thể tuyển dụng và quản lý những người có bằng lái xe tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ gọi xe bằng xe cá nhân của họ theo một số điều kiện nhất định.

Trước những lo ngại về an toàn, ông Khosrowshahi cho biết an toàn là vấn đề cần được ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một trong những lý do hàng đầu khiến khách hàng ở các thị trường khác chọn Uber do việc tích hợp những tính năng công nghệ và đối tác của công ty này.

Ông Khosrowshahi cho biết những thay đổi mà ông đề xuất nói trên sẽ giúp Nhật Bản đảm bảo các lựa chọn phương tiện giao thông thuận tiện và giá cả phải chăng hơn cho người dân, chào đón khách du lịch nước ngoài và góp phần hồi sinh nền kinh tế.

Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuần trước đã chỉ đạo các bộ trưởng liên quan tiến hành thảo luận về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm đối với các dịch vụ gọi xe.

Trước đó, nhằm giải quyết tình trạng thiếu tài xế taxi trên toàn quốc, ngày 1/4, Nhật Bản đã bắt đầu cho phép các dịch vụ gọi xe hoạt động ở 4 khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo và thành phố Kyoto.

Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm dịch vụ gọi xe cho phép tài xế có giấy phép lái xe tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ taxi vào những ngày và giờ nhất định bằng phương tiện riêng của họ, với điều kiện họ thuộc sự quản lý của một công ty taxi địa phương.

Dịch vụ này bước đầu được triển khai hàng ngày tại 23 quận của thủ đô Tokyo cùng hai thành phố ngoại ô Musashino và Mitaka, cũng như thành phố Kyoto và các vùng lân cận. Dịch vụ này được cung cấp vào các ngày thứ Sáu và cuối tuần đối với vùng Keihin - tập trung ở thành phố Yokohama, và vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy đối với khu vực Nagoya. Từ đầu tháng 5/2024, dịch vụ này được mở rộng sang các khu vực trung tâm khác ở các thành phố Sapporo, Sendai, Saitama, Chiba, Osaka, Kobe, Hiroshima và Fukuoka.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết thời gian hoạt động và số lượng phương tiện điều động được xác định dựa trên dữ liệu thu thập được từ người dùng ứng dụng gọi xe. Bộ cũng có kế hoạch cho phép cung cấp dịch vụ ở các khu vực khác, bao gồm cả những khu vực mà ứng dụng không được sử dụng phổ biến, vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy, khi taxi thường khan hiếm.

Theo hệ thống gọi xe, tài xế sẽ được yêu cầu gia hạn giấy phép hai năm một lần và về nguyên tắc chỉ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Hồi tháng 3/2024, Uber đã đồng ý trả 271,8 triệu AUD (178 triệu USD) để dàn xếp vụ kiện do các nhà khai thác taxi và tài xế người Australia đưa ra, những người phản ánh rằng họ bị mất thu nhập khi công ty dịch vụ gọi xe trực tuyến tiến vào nước này. Theo, công ty luật Maurice Blackburn, đây là vụ dàn xếp lớn thứ năm tại Australia.

Vụ kiện tập thể được đệ trình vào năm 2019 lên Tòa án Tối cao bang Victoria thay mặt cho hơn 8.000 tài xế taxi và chủ sở hữu dịch vụ ô tô cho thuê. Họ cho rằng Uber vi phạm luật yêu cầu taxi và thuê ô tô phải có giấy phép vận hành.

Theo vụ kiện, sự xuất hiện của Uber trên thị trường vào năm 2012 đã lấy đi doanh thu từ các tài xế taxi được cấp phép trong khi phá hủy giá trị của giấy phép mà họ đã phải trả tiền.

Uber khẳng định rằng họ không bao giờ cố ý vi phạm pháp luật. Ông Michael Donelly, một lãnh đạo của Maurice Blackburn, cho biết, Uber đã cạnh tranh quyết liệt ở mọi thời điểm trên hành trình phát triển.

Nhưng sau nhiều năm từ chối thực hiện hành động phù hợp đối với những người mà phía Maurice Blackburn cho rằng hoạt động của Uber đã ảnh hưởng bất lợi tới họ, Uber đã đồng ý thỏa hiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục