Ùn tắc đăng kiểm: Khắc phục nhanh để tránh ảnh hưởng cho doanh nghiệp

17:24' - 09/03/2023
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, tình trạng ùn tắc đăng kiểm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vận tải khi phương tiện đến hạn đăng kiểm.

Cán bộ lãnh đạo và nhân viên hàng loạt trung tâm đăng kiểm tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua bị cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các tội danh môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.

 

Với việc thiếu hụt nhân sự và giảm các trung tâm đăng kiểm đã gây ra tình trạng quá tải ùn ứ, khó khăn cho các chủ phương tiện ô tô thực hiện đăng kiểm.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định: nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ sẽ gây ra khủng hoảng trong lĩnh vực đăng kiểm, qua đó trực tiếp tác động đến các doanh nghiệp vận tải khi phương tiện đến hạn đăng kiểm nhưng không đăng kiểm được. Đặc biệt, nguy cơ hiện hữu là vi phạm hợp đồng vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải, kéo theo sản xuất đình trệ…

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thông tin, qua phản ánh của các doanh nghiệp, tình trạng xe chờ đăng kiểm từ 2-3 ngày, thậm chí cả một tuần tại Hà Nội đã trở lên phổ biến, ảnh hướng lớn đến tiến độ thực hiện hợp đồng vận tải. Do vậy, hiệp hội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ để giảm ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống bình thường của người dân, doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh cho hay, hiện tại, để thực hiện đăng kiểm, doanh nghiệp tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí. Với tình trạng này, việc tăng giá cước là điều khó tránh khỏi, thậm chí nếu không có giải pháp hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến đời sống an sinh khi tài xế cũng phải nghỉ việc.

Lãnh đạo một công ty vận tải tại Hà Nội thông tin, với hơn 100 xe tải và hơn 50 xe container, doanh nghiệp rất lo lắng khi nhiều xe chuẩn bị đến kỳ kiểm định. Nếu phương tiện không kịp đăng kiểm, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng, mà ảnh hưởng cả đến công ăn việc làm của đội ngũ lái xe.

Chủ một doanh nghiệp vận tải này cho biết thêm, ông đã cho lái xe đưa xe sang kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm ở địa phương khác, nhưng cũng rất khó khăn vì nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương hay Bắc Giang các trung đăng kiểm cũng đang bị quá tải. Giải pháp hiện tại của doanh nghiệp hiện nay là động viên lái xe kiên trì, chờ đợi để đến lượt kiểm định.

Bởi nếu xe không có chứng nhận đăng kiểm thì bị xử phạt rất cao, do đó lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị cần có giải pháp cấp bách để xử lý tình trạng khó khăn đăng kiểm cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cơ quan cảnh sát giao thông cũng xem xét cơ chế linh hoạt, nếu không đăng kiểm được vì lý do bất khả kháng.

Ông Lê Huy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Logistics xuất nhập khẩu (Hà Nội) cũng cho biết, dù đơn vị có hệ thống theo dõi đăng kiểm để cảnh báo và chủ động thực hiện đăng kiểm,

Tuy vậy, với 80 xe đầu kéo và rơ mooc, hàng tháng, doanh nghiệp sẽ có khoảng 10 xe đầu kéo hoặc rơ mooc đến hạn đăng kiểm. Mặc dù doanh nghiệp yêu cầu lái xe chủ động thực hiện đăng kiểm tại các tỉnh, song cũng chỉ thực hiện được khi xe không có hàng. Do vậy, tình trạng chờ đợi đăng kiểm khiến doanh ngiệp rất lúng túng, khó xoay xở.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, chị Bùi Kim Thư, Giám đốc Công ty vận tải Vinh Quản cũng cho hay, với hơn 50 xe vận chuyển hàng hóa, trong tuần tới, số lượng xe đến hạn đăng kiểm khá nhiều, nhưng riêng việc đi xếp hàng để đăng kiểm cho đội ngũ xe đến hạn cũng đã tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, khiến việc vận chuyển hàng hóa bị đình trệ.

Đối với những địa phương như Hòa Bình có một trung tâm đăng kiểm duy nhất nhưng cũng đã bị tạm dừng hoạt động thì doanh nghiệp cũng khó khăn gấp bội. Các doanh nghiệp vận tải tại Hòa Bình chia sẻ, từ lúc trạm đăng kiểm duy nhất tại Hòa Bình dừng hoạt động, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi phải đưa xe đi các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Nội và Sơn La để đăng kiểm.

Xe tải phải nằm chờ và đi các địa phương khác để đăng kiểm khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, mất doanh thu, trong khi lãi ngân hàng, lương nhân viên vẫn phải trả. Theo tính toán, tỉnh Hòa Bình đang có khoảng 3.000 phương tiện đến thời hạn kiểm định.

Một chuyên gia kinh tế phân tích, đăng kiểm là cửa kiểm soát cuối cùng để ô tô có thể lưu hành, và gắn với nó là các hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách và dịch vụ. Đăng kiểm không hoạt động thì ô tô không thể lưu hành, làm ách tắc chuỗi cung ứng, từ đó làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sinh kế của những người có liên quan.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, với những ách tắc như vậy nó sẽ khiến cho các chuỗi cung ứng gắn với vận tải bị đình trệ và làm tăng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chi phí chờ đợi của những người trong cuộc. Thêm nữa nó ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, sinh kế của những người có liên quan do không đăng kiểm được.

Nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ, hoạt động của đơn vị mới bắt đầu phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì COVID-19, nếu hiện tại khủng hoảng trong lĩnh vực đăng kiểm không được tháo gỡ sẽ gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp vận tải, do vậy kiến nghị gia hạn thời điểm đăng kiểm. Đây là một phương án mà các cơ quan chức năng có thể xem xét để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự báo năng lực đăng kiểm tháng 4 tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 30%. Trong khi đó, tại Hà Nội, hiện chỉ còn 7 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, năng lực đăng kiểm tháng 3 được dự báo chỉ đạt khoảng 24% nhu cầu và rớt xuống dưới 12% trong tháng 5. Cục Đăng kiểm dự báo, tình trạng ùn tắc có thể nghiêm trọng hơn khi nhu cầu kiểm định xe ở Hà Nội trong tháng 4 lên 83.720 chiếc.

Liên quan đến chỉ đạo giải quyết khó khăn lĩnh vực đăng kiểm, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, trong đó Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3 năm 2023.

Cũng liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, chiều 8/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an để xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các Trung tâm Đăng kiểm.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và trình độ. Việc khởi tố, điều tra các vụ án tại Cục Đăng kiểm, nhiều Trung tâm Đăng kiểm đã bộc lộ rõ những sai phạm, yếu kém cụ thể; từ đó, xác định được nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, xử lý, nhằm thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước với người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân. Bộ Giao thông Vận tải sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.

Bộ Giao thông Vận tải tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục