Ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp vẫn thấp

07:50' - 17/04/2019
BNEWS Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở một số khâu vẫn khá thấp, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.
Máy gặt đập trên cánh đồng tại Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất góp phần quan trọng giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, ứng dụng cơ giới hóa là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở một số khâu vẫn khá thấp, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến nay trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.

Các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 2 HP/ha. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng nhanh, như: máy gặt đập liên hợp, máy chế biến thức ăn gia súc, máy chế biến thức ăn thủy sản, máy phun thuốc trừ sâu…

Số lượng máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực phía Bắc chiếm khoảng 35%, riêng các loại máy động lực như: máy kéo, động cơ cỡ nhỏ dưới 15 mã lực chiếm khoảng 70%.

Trong sản xuất lúa ở các tỉnh phía Bắc, khâu cơ giới làm đất tăng từ 65% năm 2008 lên 83% năm 2017.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có mức độ cơ giới hóa cao nhất, một số tỉnh đạt gần 100% như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương.… Vùng cơ giới hóa thấp nhất là trung du miền núi phía Bắc.

Khâu thu hoạch lúa có tốc độ cơ giới hóa tăng khá nhanh, từ 13% năm 2008 lên 42% (năm 2017). Một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mức độ cơ giới hóa thu hoạch cao như: Nam Định, Thái Bình đạt gần 90%.

Các địa phương này chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp, chiếm 30% so cả nước với khoảng 7.000 chiếc.

Với nhiều loại cây trồng khác, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt khá, nhưng khâu thu hoạch bằng máy lại ngược lại.

Điển hình như các vùng rau chuyên canh cơ giới hóa khâu làm đất, tưới đạt gần 90%, khâu thu hoạch vẫn làm thủ công.

Hay trong sản xuất ngô, khâu làm đất, gieo hạt, chăm sóc ở các vùng sản xuất bằng phẳng, tập trung như: Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa cơ giới hóa đạt khoảng 70%, nhưng trong khâu thu hoạch, cơ giới hóa lại đạt rất thấp khoảng 5%.

Trong sản xuất mía cũng vậy, cơ giới hóa khâu làm đất ở những vùng mía sản xuất tập trung tại một số tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An... đạt trên 85%, tuy nhiên trong khâu trồng bằng máy chỉ đạt khoảng 30%; thu hoạch đạt khoảng 25%.

Trong bối cảnh hiện nay, giá đường xuống thấp nên giá thu mua mía của các nhà máy chỉ khoảng từ 750.000 - 850.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, để thu hoạch được 1 tấn mía, nhiều nơi nông dân phải trả từ 300.000 - 320.000 đồng/tấn cho công thu hoạch, bốc vác.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình trạng trên khiến nông dân không còn mặn mà với cây mía, đặc biệt một số vùng nông dân chuyển sang trồng sắn.

Để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu, nông dân có lời, ông Phạm Quốc Doanh cho rằng cần cơ cấu lại các biện pháp canh tác và quy trình công nghệ theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, áp dụng tiến bộ công nghệ mới thay thế phương pháp canh tác truyền thống.

Bổ trợ cho giải pháp trên là phải cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị; hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mía; trong đó nhà máy/công ty tham gia cổ phần và là thành viên của hợp tác xã.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt từ 3-3,5 HP/ha vào năm 2020; từ 5-6 HP/ha vào năm 2030. Riêng các tỉnh phía Bắc đạt từ 2,5-3 HP/ha vào năm 2020 và từ 4-5 HP vào năm 2030.

Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất một số cây trồng chính, những khâu cơ giới hóa vẫn còn thấp. Điển hình như: thu hoạch lúa ở khu vực Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc.

Cây mía sẽ tập trung cơ giới hóa trong khâu trồng, chăm sóc, tưới và nhất là thu hoạch, bốc xếp và xử lý lá, ngọn mía sau thu hoạch.

Ngoài khâu chăm sóc, xới cỏ bằng máy, cây chè sẽ nâng cao sử dụng máy trong khâu đốn, hái…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ngành tiếp tục triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường, ứng dụng các loại máy, thiết bị nông nghiệp phù hợp.

Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư, sản xuất máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Cùng với đó, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, đẩy mạnh cơ giới hóa, cùng với đó phát triển các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả áp dụng cơ giới hóa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hoá, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân và tính cạnh tranh nông nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông sản, đặc biệt là chế biến như công nghệ sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản.

Cùng với đó, thực thi các chính sách về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chính sách đất đai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc cơ giới hóa và chế biến nông sản.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, các địa phương phải xác định rõ chủ thể nâng cao năng lực chế biến, cơ giới hóa là các doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó tập trung các chính sách, giải pháp vào các đối tượng này, khuyến khích đầu tư các khâu tự động hóa, ứng dụng công nghệ 4.0./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục