Ứng dụng công nghệ để xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai

14:58' - 04/11/2024
BNEWS Hiện nay, ứng dụng Hue-S trên thiết bị điện thoại thông minh đã thiết lập 2 tính năng: Thời tiết thiên tai và phòng chống bão lụt.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình mưa lũ, những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tăng cường ứng dụng công nghệ để chủ động nắm bắt thông tin, phục vụ công tác quản lý, điều hành các hồ chứa thủy điện theo quy định; đồng thời, công khai, chia sẻ dữ liệu, đưa ra những cảnh báo sớm về thiên tai đến người dân một cách nhanh nhất, nhằm giảm thiểu những thiệt hại, hướng đến xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai.

Hồ thủy điện Hương Điền có tổng dung tích nước lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế lên đến 820 triệu m3, giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước trong mùa mưa lũ về hạ du trên lưu vực sông Bồ. Do vậy, ngoài những thông tin cảnh báo mưa của Trung ương và tỉnh, nhà máy còn lắp đặt các trạm đo mưa tự động, trạm đo mực nước để có số liệu chính xác, thực tế về lượng mưa, lưu lượng nước đến và đi tại hồ để cập nhật thường xuyên liên tục về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, công khai trên các bản tin, cũng như ứng dụng Hue-S để người dân vùng hạ du biết, chủ động kê cao đồ đạc, sơ tán khỏi những vùng trũng thấp.

Ông Nguyễn Duy Hải, cán bộ Công ty cổ phần thủy điện Hương Điền chia sẻ, khu vực hồ thủy điện Hương Điền có 5 trạm đo mưa và 2 trạm đo mực nước, định kỳ 15 phút các trạm đo này sẽ gửi tín hiệu về trung tâm. Với một chiếc điện thoại thông minh, cán bộ quản lý sẽ biết được thông tin liên quan đến lượng nước trong hồ và số liệu này cũng được cập nhật đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

 
Theo ông Lê Diên Minh, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc kết nối liên thông số liệu các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ những năm gần đây. Từ đó được khai thác, phục vụ quá trình quản lý, điều hành của chính quyền cũng như được công khai đến mọi người dân biết để chủ động lên kế hoạch trong quá trình lao động sản xuất trong mùa mưa bão.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 13 hồ thủy điện với tổng công suất lắp máy trên 459 MW, tổng dung tích nước khoảng 2 tỷ m3. Công tác vận hành điều tiết nước của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương và các quy trình vận hành đơn hồ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi có thông tin dự báo về các đợt mưa bão, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ động tham mưu ban hành các công điện, thông báo, cảnh báo gửi đến các chủ hồ chứa, cơ quan ban ngành địa phương để thông tin kịp thời đến người dân có sự chuẩn bị ứng phó.

Với mục tiêu đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, nội dung chỉ đạo của các cấp chính quyền tiếp cận nhanh nhất đến người dân, giúp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại khi bão lụt xảy ra, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã triển khai, vận hành hệ thống thông tin, truyền thông đa kênh. Trong đó, việc truyền thông trên ứng dụng Hue-S thông qua các chức năng phòng chống bão lụt đã trở thành một kênh truyền thông số “đặc biệt” thu hút rất lớn số lượng người quan tâm với hơn 900.000 tài khoản đăng ký.

Hiện nay, ứng dụng Hue-S trên thiết bị điện thoại thông minh đã thiết lập 2 tính năng: Thời tiết thiên tai và phòng chống bão lụt. Trong đó, có nhiều thông tin hữu ích, cần thiết đến người dân như: mực nước trên các sông lớn; thông số điều tiết lưu lượng tại các hồ, đập; hình ảnh camera trực tuyến tại các điểm thường xảy ra ngập lụt; bản đồ các tuyến đường có thể đậu đỗ xe trong mùa ngập lụt… Đặc biệt, với chức năng SOS hoặc gọi điện đến tổng đài 19001075, người dân có thể yêu cầu ứng cứu khẩn cấp trong các tình huống nguy hiểm cần cơ quan chức năng hỗ trợ.

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ứng dụng Hue-S được xem như một công cụ hiệu quả trong việc truyền tải thông tin cũng như tiếp nhận tương tác của người dân và phục vụ tốt cho công tác điều hành, chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế trong mùa mưa lũ. Thời gian qua, Hue-S đã phát đi gần 2.500 bản tin cảnh báo về thời tiết, thiên tai, bão lụt; đồng thời tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi về tổng đài của người dân cần hỗ trợ trong mùa mưa lũ hàng năm, qua đó giúp chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, huy động lực lượng gần nhất tiếp cận ứng cứu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Thừa Thiên – Huế là một trong những địa phương ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong phòng chống thiên tai, cũng như đi đầu trong công tác hành động sớm và các kịch bản ứng phó với bão lũ được địa phương xây dựng rất sát với thực tế. Khi có thiên tai xảy ra, tỉnh thực hiện rất nghiêm theo các kịch bản đã đề ra. Chính vì vậy, dù địa phương phải đối mặt với nhiều thiên tai nhưng đã giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại.

Với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực của nhiều đối tác giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo với các tình huống thiên tai. Chẳng hạn, Dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng Trung tâm Phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên – Huế và trang bị một số thiết bị như máy tính để bàn, thiết bị flycam, hệ thống bộ đàm vô tuyến điện, trang thiết bị phần mềm theo dõi giám sát thiên tai…

Để xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, việc ứng dụng các công nghệ trong việc thu thập số liệu, đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm và lan tỏa thông tin nhanh chóng đến mọi người dân ở những vùng có thể bị ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng. Đây là cách tiếp cận thiết thực, hiệu quả mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đang thực hiện trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và thời tiết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục