Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao

17:23' - 09/07/2017
BNEWS Ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn cùng với ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vải thiều Việt Nam đã được xuất khẩu sang một số thị trường. Ảnh: Đinh Huệ/TTXVN

* Ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn

Vải là cây trồng đặc sản có diện tích và sản lượng lớn tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tuy vậy, quả vải lại nhanh bị hư hỏng sau khi thu hoạch. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản vải luôn được quan tâm.

Góp phần giảm tổn thất trong quá trình bảo quản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân tại vùng trồng vải, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi” do Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà chủ trì.

Đề tài triển khai dựa trên mục tiêu xây dựng quy trình bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP), kéo dài thời gian sử dụng tối đa lên đến 4 tuần mà vẫn giữ nguyên chất lượng và màu sắc quả vải.

Đồng thời, đề tài đi sâu vào nghiên cứu kết hợp các phương pháp tiền xử lý và bảo quản vải bằng màng MAP, ảnh hưởng của điều kiện sau bảo quản tới chất lượng và giá trị thương phẩm.

Ngoài ra, đề tài đã tối ưu hóa các thông số kỹ thuật của màng MAP và điều kiện bảo quản quả vải. Xây dựng quy trình bảo quản quả vải Lục Ngạn và xây dựng mô hình bảo quản quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) quy mô 5 tấn.

Được thực hiện từ tháng 1/2015 đến 8/2016, đề tài đã khảo sát, đánh giá thực trạng công nghệ bảo quản quả vải thiều hiện nay. Màng MAP được chế tạo từ các loại nhựa nhiệt dẻo như polypropylen (PP), polyetylen (LDPE), polyetyle mạch thẳng tỷ trọng trung bình (LMDPE), polytyelen tỷ trọng cao (HDPE).

Trong công nghệ chế tạo màng MAP, các loại nhựa này được sử dụng ở dạng nhựa nguyên sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về độ an toàn của sản phẩm, màng MAP đã được phân tích các chỉ số như độ thôi nhiễm và được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép cho màng bảo quản, hàm lượng hóa chất tiền xử lý có nồng độ thấp hơn nồng độ cho phép của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Nhóm thực hiện đề tài cũng đã nghiên cứu một số phương pháp sử dụng màng MAP để bảo quản quả vải thiều gồm độ chín quả vải thu hái phù hợp khi đưa vào bảo quản bằng màng MAP là 80 – 85 ngày từ khi đậu quả, xử lý nước nóng ở 47 độ C trong 7 phút giúp giảm tỷ lệ hư hỏng do sinh vật.

Đồng thời xử lý quả vải bằng dung dịch Oxalic có PH = 3 trong 6 phút có khả năng duy trì và ổn định màu vỏ quả vải tốt nhất; xây dựng mô hình bảo quản quả vải thiều bằng màng MAP với quy mô 5 tấn sau 30 ngày tỷ lệ hư hỏng là 9,83%.

Bên cạnh đó, đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật ứng dụng màng MAP để bảo quản quả vải thiều và 9 chuyên đề khoa học. Với kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao, xếp loại xuất sắc. Kết quả đề tài có tính ứng dụng, thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng.

* Ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản

Trong khuôn khổ đề tài ứng dụng công nghệ đặt hàng “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác thủy sản xa bờ” được thực hiện với sự phối hợp giữa “4 nhà” (Quản lý, Khoa học, Doanh nghiệp và Ngư dân), Viện Hải dương học phối hợp Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cùng Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa tổ chức hội thảo “Ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản”.

Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, toàn quốc có 108.704 tàu khai thác thủy sản, trong đó có 22,5% số tàu sử dụng ánh sáng kết hợp đánh bắt thủy sản, bao gồm các nghề lưới vây, lưới mành, câu mực, câu cá ngừ đại dương, pha xúc và chụp.

Ánh sáng là nhân tố quan trọng nhằm làm tăng hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác thủy sản nói trên.

Kết quả nghiên cứu ứng dụng hệ thống đèn LED trên tàu lưới vây (sử dụng đèn LED chuyên dụng do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cung cấp), khi được sử dụng để đánh bắt thử nghiệm ở ngư trường thuộc vùng biển Trường Sa cho thấy: Đèn LED có khả năng thu hút cá tương đương đèn Metal Halide (đèn siêu) mà ngư dân đang sử dụng.

Sản lượng và năng suất đánh bắt tương đồng nhau, so với tàu đối chứng sản lượng cao hơn 0,1 – 0,9 tấn/mẻ/chuyến, năng suất cao hơn 0,4 tấn/mẻ/chuyến.

Trong khi đó, sử dụng đèn LED tiết kiệm được 33,7% lượng nhiên liệu so với đèn Metal Halide.

Tại hội thảo, các báo cáo tham luận đã trình bày về thực trạng sử dụng ánh sáng tập trung cá trong khai thác thủy sản ở Việt Nam; kết quả ứng dụng hệ thống đèn LED trên tàu lưới vây kết hợp ánh sáng ở vùng biển xa bờ; công nghệ sản xuất và tiềm năng thị trường đèn LED trong các nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam…

Các đại biểu cũng đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong ứng dụng công nghệ đèn LED và kế hoạch nhân rộng mô hình này trong khai thác thủy sản.

Ý kiến của nhiều ngư dân cho rằng, sử dụng đèn LED tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả chuyến đi biển.

Tuy vậy, chi phí đầu tư ban đầu để thay thế đèn truyền thống cao, nên các nhà quản lý cần có chính sách khuyến khích ngư dân ứng dụng loại đèn này./.

Xem thêm:

>>>Nhân tài Đất Việt 2017 hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

>>>Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại thân thiện môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục