Ứng phó bão số 9: Ngành điện với các phương án xử lý sự cố kịp thời

17:14' - 19/12/2021
BNEWS Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có công điện số 7686/CĐ-EVN gửi các đơn vị thành viên về việc chủ động ứng phó với bão RAI.

Theo đó, tập đoàn yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất; đồng thời tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Các tổng công ty điện lực tiếp tục củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra; khi có ảnh hưởng của thiên tai gây ra sự cố mất điện cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên trên địa bàn…

Siêu bão RAI (bão số 9) với cường độ mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão và diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, nhiều đơn vị đã hoàn tất các phương án ứng phó.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đường đi của bão số 9 được dự báo tiến sát bờ biển, có thể ảnh hưởng đến lưới điện ở các tỉnh ven biển miền Trung. Vùng ảnh hưởng của bão từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên. Bão có thể giảm cấp khi vào bờ do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhưng đối với các đảo Lý Sơn, Nhơn Châu, Ba Bình và 1 số đảo khác… có khả năng bão có sức gió mạnh cấp 9, giật trên cấp 12.

“Các đơn vị quản lý lưới điện trên đảo và vùng duyên hải hết sức chú ý hệ thống lưới điện, chủ động ứng phó giảm thấp nhất thiệt hại và bảo đảm an toàn cho lực lượng ứng trực tại đây” – ông Nguyễn Thành, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn EVNCPC nhấn mạnh.

Với các tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền núi các tỉnh ven biển miền Trung, ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão có thể gây mưa, sạt lở, ngập lụt…, do đó, các đơn vị cũng cần có phương án sẵn sàng ứng phó. Các đơn vị rà soát ngay những điểm lưới điện bị sạt lở, sự cố tại các đợt mưa trước, gia cố kịp thời để ứng phó với cơn bão này.

Với Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung – đơn vị đang quản lý các nhà máy thủy điện, điện mặt trời, ông Thành đề nghị các đơn vị rà soát các mương thoát nước, điểm cần khắc phục có thể xử lý ngay để tránh bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, đảm bảo an toàn vận hành tại các nhà máy điện.

Một trong những vấn đề được EVNCPC đặc biệt lưu ý, đó là việc ưu tiên đảm bảo điện trong mưa bão là các cơ sở y tế, bệnh viện, bệnh viện dã chiến điều trị F0, khu cách ly tập trung F1…

Hiện nay, tại khu vực do EVNCPC quản lý cấp điện, có tới hơn 21 nghìn ca F0 đang theo dõi, điều trị và gần hơn 51,7 nghìn ca F1 đang cách ly.  Do vậy, các đơn vị đã chuẩn bị phương án sẵn sàng “4 tại chỗ”, tính toán các phương án ứng phó thiên tai kết hợp phòng, chống dịch bệnh để không bị động trong tình huống xấu nhất.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc huy động lực lượng xung kích từ các điện lực ở các địa phương khác tới vùng bão để hỗ trợ tham gia khắc phục sự cố hết sức khó khăn. Do đó, EVNCPC yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện và phát huy hiệu quả của phương án “Bong bóng khép kín” để bảo toàn lực lượng tham gia khôi phục lưới điện sau thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục