Ứng phó cơ chế thuế carbon xuyên biên giới đối với hàng xuất khẩu

14:57' - 05/03/2024
BNEWS Tham gia vào thị trường carbon quốc tế sẽ giúp địa phương nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Đồng thời sẽ tác động không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.

Từ cuối năm 2023, Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM – Carbon Border Adjustment Mechanism) và dự báo sẽ áp dụng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Theo các chuyên gia, điều này sẽ tác động không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn và những năm tiếp theo.

Thách thức tại thị trường trọng điểm

Cụ thể, CBAM là cơ chế thuế nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong giảm phát thải khí nhà kính. Điển hình, hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu (EU-ETS) là thị trường carbon bắt buộc lâu đời và thành công nhất thế giới, đã giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực EU hơn 40% kể từ năm 2005.

Ở khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có Indonesia đã triển khai thực hiện thị trường carbon bắt buộc cho ngành năng lượng từ đầu năm 2023. Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị thí điểm từ năm 2025 và sẽ chính thức vận hành từ năm 2028 theo Nghị Định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

 

Mặc dù việc hình thành thị trường carbon vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị, nhưng trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia thị trường carbon quốc tế thông qua các dự án tín chỉ carbon mà đầu tiên là cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2005 với tổng số tín chỉ carbon (VCCs) ban hành đạt gần 30 triệu. Ngoài cơ chế CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập.

Theo cơ sở sở dữ liệu của Dự án Carbon Berkeley, tính đến nay Việt Nam có 71 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 53 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ đươc phát hành lần lượt là 7.573.843 và 4.256.407 tín chỉ. Đồng thời, một số dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) và cơ chế của hội đồng carbon toàn cầu (GCC).

Dự án phát hành tín chỉ carbon tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió), hộ gia đình và cộng đồng (phân huỷ sinh học, nước sạch, bếp nấu, chiếu sáng), quản lý rác thải và rừng... Hiện nay, thị trường carbon ngày càng khẳng định tầm quan trọng và là một công cụ kinh tế thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, cũng như chống biến đổi khí hậu.

Thị trường carbon được chia thành hai loại, gồm: thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon). Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cho phép các tổ các tổ chức mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon.

Báo cáo của nhóm chuyên gia gồm Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Thạc sỹ Phùng Thanh Bình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chỉ ra rằng, với những doanh nghiệp không thể bù đắp chi phí sản xuất tăng thêm do hạn ngạch, hoặc những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU phải tốn thêm chi phí sẽ phải thu hẹp sản xuất, giảm công ăn việc làm và giảm nguồn thu ngân sách... Điều này được dự báo có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh trong ngắn hạn.

Chính vì thế, Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp cần phải dự báo được những tác động của CBAM để có cơ chế chính sách về phí và lệ phí môi trường đảm bảo hài hòa mục tiêu môi trường với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết về tác động của thị trường carbon đối với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung sẽ giúp cơ quan chức năng có cách thức quản lý, điều tiết hợp lý để thị trường hoạt động có hiệu quả.

Xây dựng và kết nối thị trường carbon

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương năng động với nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, khi dựa vào tiềm năng và cơ hội được áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/NQ15.

Nếu Tp. Hồ Chí Minh chú trọng khai thác cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 hiệu quả sẽ tận dụng được điều kiện thuận lợi giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.

Tham gia vào thị trường carbon quốc tế sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu. Thị trường carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế..., thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới.

Đặc biệt, thị trường carbon sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất, từ đó góp phần gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nâng cao năng lực cạnh tranh (Giả thuyết Porter).  Đồng thời, việc phát triển thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp thành phố tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn năng lượng dồi dào như mặt trời, gió và rác thải. 

Liên quan đến việc ứng phó với thuế carbon xuyên biên giới, Thạc sỹ Đặng Thị Bạch Vân, Giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước cho rằng, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh có thể xem xét ban hành phí carbon và sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.

Song song đó, chính quyền thành phố cũng có thể chủ động đẩy mạnh đầu tư vào tài sản công trên địa bàn, thúc đẩy giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

Để tăng cường vai trò là bên phát hành tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện, Tp. Hồ Chí Minh có thể xem xét ưu tiến ban hành một số chính sách như quy định về nguồn vốn tài trợ và phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon. Thành phố cũng có thể xem xét hợp tác với nhóm tổ chức tư nhân tận dụng nguồn lực về tài chính, nhân sự, kỹ thuật… để gia tăng quy mô và hiệu quả của dự án phát hành tín chỉ carbon tiềm năng.

Ngược lại, ở vai trò là người mua tín chỉ carbon, Tp. Hồ Chí Minh cần xây dựng lộ trình và nền tảng xác thực mức độ đáng tin cậy của tín chỉ carbon được phát hành bởi tổ chức khác nhau. Đồng thời, hợp tác với mạng lưới tổ chức quốc tế uy tín trong xây dựng hệ thống thẩm định và giám sát dự án hiệu quả.

Vừa qua, trong buổi gặp gỡ giữa Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và đại diện Ngân hàng Thế Giới (WB), nhà đầu tư khẳng định sẽ hỗ trợ thành phố trên hành trình chuyển đổi xanh và xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Hiện tại, chuyên gia WB đang làm việc với sở ngành và doanh nghiệp thành phố để xác định những ngành tiềm năng trong thực hiện tín chỉ carbon. Dự kiến, Tp. Hồ Chí Minh và WB sẽ hoàn thành khung của thị trường tín chỉ carbon trong quý I/2024.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cũng đề xuất, Tp. Hồ Chí Minh cần cập nhật liên tục và hành động nhanh chóng để bắt kịp xu hướng phát triển thị trường carbon. Vì muốn trở thành thành phố xanh thì phát triển thị trường carbon là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Đây cũng là lý do WB đang hợp tác và hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh xây dựng thị trường và tạo cơ chế kết nối với cung cầu về tín chỉ carbon.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục