Định hướng chính sách Thành phố Hồ Chí Minh về thị trường Carbon

15:46' - 29/02/2024
BNEWS Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Ngày 29/2, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cùng một số đơn vị đã tổ chức “Tọa đàm chính sách thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm tạo nền tảng đối thoại chính sách cho các bên liên quan gồm: nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.

Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Thị trường carbon được chia thành hai loại gồm: thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon).

 

Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM - Carbon Border Adjustment Mechanism) nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính.

CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần có nhiều nghiên cứu, diễn đàn thảo luận chuyên sâu hơn để có thể phân tích đa chiều tác động của CBAM và tận dụng các lợi thế, phát triển sáng kiến tăng tốc lộ trình đạt mục tiêu trung hòa carbon tại Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, với tiềm năng của thị trường carbon và cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh khi được áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường carbon là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Thành phố có nhiều tiềm năng để triển khai thí điểm và vận hành thị trường carbon, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho địa phương cũng như cả nước.

Tuy nhiên, thị trường carbon là một vấn đề khó. Để tăng cường vai trò là bên phát hành tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện, Thành phố có thể xem xét ưu tiên ban hành một số chính sách như quy định về nguồn vốn tài trợ và các phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon. Cơ chế tài chính rõ ràng sẽ giúp Thành phố phân bổ nguồn lực công hợp lý, đáp ứng được nhu cầu về vốn trong suốt vòng đời của dự án nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng của tín chỉ carbon có thể phát hành.

Mặt khác, việc triển khai dự án phát hành tín chỉ carbon phải đáp ứng được yêu cầu của cơ chế định giá carbon. Thành phố cần ban hành những hướng dẫn liên quan đến quản lý và vận hành dự án. Trong đó, những quy định cần nêu rõ vai trò của từng cơ quan trong hoạt động triển khai, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả nhằm đảm bảo dự án đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức định giá tín chỉ và phát hành thành công tín chỉ ra thị trường...

Về cơ chế ứng phó với thuế carbon xuyên biên giới, Thạc sỹ Đặng Thị Bạch Vân, Giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) đề xuất, chính quyền Thành phố ban hành một loại phí mới, chẳng hạn như phí carbon và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu. Chính quyền Thành phố có thể chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản công trên địa bàn để có thể giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục