Ứng phó với bão số 2: Thanh Hóa hoàn tất công tác phòng, chống bão

14:44' - 16/07/2017
BNEWS Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) khỏi vùng nguy hiểm.
Ứng phó với bão số 2: Thanh Hóa hoàn tất công tác chủ động phòng, chống bão. Ảnh minh họa: Thanh Tùng-TTXVN

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 14 giờ ngày 16/7, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.021 phương tiện tàu, thuyền với 19.420 lao động hoạt động trong tỉnh đã vào các nơi tránh trú bão an toàn.

Ngoài ra, 724 phương tiện với 5.034 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) khỏi vùng nguy hiểm.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công điện khẩn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan, các Công ty khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan; khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/7 các công việc như: nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các bến cảng, khu du lịch.

Các huyện miền núi, vùng nguy cơ xảy ra sạt lở cao, vùng cửa sông, ven biển phải sẵn sàng khi có lệnh sơ tán dân; kiểm tra cụ thể phương án 4 tại chỗ, trong đó chú trọng về lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa lũ gây chia cắt dài ngày.

Hiện tại Thanh Hóa hiện có 610 hồ đập lớn nhỏ nhưng qua kiểm tra, có tới 121 hồ không đảm bảo an toàn.

Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục