Ưu tiên trong chính sách kinh tế của Malaysia

06:30' - 17/11/2018
BNEWS Thời kỳ trăng mật của Thủ tướng Mahathir Mohamad sau hơn 5 tháng nắm quyền tại Malaysia đã chấm dứt và bây giờ là thời điểm để bắt tay vào công cuộc cải cách kinh tế.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại Putrajaya ngày 1/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đó là nhận định được đăng trên Trang EastAsiaForum. Các nhà phân tích cũng như giới đầu tư đang chăm chú theo dõi những thông tin tiếp theo liên quan đến các ưu tiên trong chính sách kinh tế của chính phủ.

Theo tác giả Stewart Nixon, học giả của Khoa chính sách công trường Crawford trực thuộc Đại học Quốc gia Australia, việc Thủ tướng Mahathir gần đây thừa nhận những lời hứa của Liên minh Hy vọng (PH) lúc tranh cử vượt quá khả năng thực thi chỉ là sự khởi đầu. 

Trong hơn 5 tháng qua, Chính phủ Mahathir đã áp dụng phương pháp tiếp cận thận trọng trong vấn đề phát triển chính sách. Nội dung bản "Đánh giá lại giữa kỳ đối với Kế hoạch Malaysia lần thứ 11" cũng như bản ngân sách đầu tiên của chính phủ (ngân sách năm 2019) đã ít nhiều cho thấy đường hướng trong chính sách kinh tế của chính phủ. 

Theo đó, có thể thấy quản trị hiệu quả hơn và yêu cầu cắt giảm chi phí sinh hoạt cho người dân được xác định là các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ. Cùng với đó là các ưu tiên dành cho các khu vực, giới doanh nghiệp và lĩnh vực kỹ thuật số. 

Những ưu tiên này cho thấy chính phủ rõ ràng đã thể hiện sự quan tâm đến tính hiệu quả và tính bao hàm trong chính sách kinh tế của mình. Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi về phương hướng trong chính sách kinh tế của chính phủ.

Bản Đánh giá lại giữa kỳ đã đưa ra một kế hoạch chi tiết với nhiều tham vọng. Những tham vọng này nếu được chuyển hóa thành những chính sách thành công sẽ là một chương trình cải cách ấn tượng. Tuy nhiên, những khía cạnh của bản đánh giá cũng làm dấy lên các câu hỏi về khả năng thực sự của chính phủ trong việc định vị các nguy cơ trung hạn. 

Mục tiêu cân bằng ngân sách năm 2020 đã bị gạt sang một bên. Thâm hụt ngân sách được nới rộng lên 3,7% GDP (với mục tiêu giảm xuống còn 3% GDP vào năm 2020). Trong khi đó, đầu tư công - đáng chú ý nhất là trong các dự án đường sắt và ống dẫn dầu chủ chốt - vẫn chưa có định hướng rõ ràng.

Việc hủy bỏ và tạm hoãn các dự án lớn về xây dựng đường sắt và đường ống dẫn dầu được hoan nghênh một cách chính đáng, xét trên khía cạnh quản trị, song điều này cũng tạo ra những nguy cơ về kinh tế. Tranh cãi về nhu cầu hạ tầng tương lai đã bị gạt sang một bên do những lo ngại về nợ nần. 

Các nhà đầu tư đang phải đối mặt với mức độ bấp bênh và rủi ro cao hơn. Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cả hai chính phủ (Malaysia và Trung Quốc) cho đến nay dường như mới chỉ giải quyết được vấn đề trên bình diện ngoại giao.

Bản Đánh giá lại giữa kỳ cũng dự báo những chi phí phát sinh trong lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội, hạ tầng nông thôn và môi trường - những lĩnh vực sẽ được cấp kinh phí bằng cách cắt giảm ngân sách dành cho các lĩnh vực khác.

Tăng nguồn thu - hoặc việc không thể thực hiện được điều này - là điểm yếu nghiêm trọng trong các kế hoạch của chính phủ. Nguồn thu từ thuế đã giảm khoảng 13% GDP và việc chính phủ hủy bỏ thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) và thay vào đó bằng thuế Bán hàng và Dịch vụ (SST) với mức thu thấp hơn sẽ càng làm cho sự giảm sút trong thu ngân sách thêm trầm trọng. Dự kiến nguồn thu từ thuế chỉ chiếm 11,5% GDP trong ngân sách 2019.

Bản Đánh giá lại giữa kỳ cũng cho thấy các kế hoạch nhằm đa dạng hóa nguồn thuế gián tiếp và tăng giá trị nguồn thu phi thuế. Tăng thuế gián tiếp có vẻ như quá tham vọng sau chiến dịch dân túy ầm ĩ chống thuế GST, trong khi nguồn thu phi thuế chính là việc tăng phụ thuộc vào nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước (SOE). 

Bản Ngân sách của chính phủ đã cho thấy rõ điều này khi cho biết nguồn thu thuế gián tiếp đã giảm 33% trong năm 2018. Trong khi đó, nguồn thu từ cổ tức của Tập đoàn dầu khí Malaysia Petronas sẽ tăng lên bằng hai lần nguồn thu phi thuế trong ngân sách 2019.

Sự tham gia của chính phủ vào nền kinh tế có thể dễ dàng bắt gặp trong tất cả các lĩnh vực. Chế độ Liên bang với đặc điểm tập trung quyền lực rất cao (điều khiến cho các sáng kiến của chính phủ cấp bang bị tê liệt) và việc chính phủ sở hữu hơn một nửa thị trường chứng khoán đã dẫn đến thực tế rằng phần lớn hoạt động của nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà nước.

Những vụ bê bối trong các doanh nghiệp nhà nước đã góp phần làm sụp đổ chính phủ cũ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được cải tổ một cách có ý nghĩa trong tương lai gần. Theo bản Ngân sách 2019, cổ phần của chính phủ chỉ giảm xuống trong các doanh nghiệp "không chiến lược". 

Đối với các chính quyền địa phương, cách tiếp cận cũ vẫn được duy trì khi chính phủ có kế hoạch tăng cường sự kiểm soát "gia trưởng" đối với các bang và có kế hoạch tăng cường ưu thế của các doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ đẩy nền kinh tế Malaysia đi theo hướng sai lầm. Để tránh điều đó, chính phủ cần chú trọng phân cấp quyền lực cho chính quyền địa phương và làm giảm sự tập trung của thị trường doanh nghiệp nhà nước.

Một điểm đáng chú ý khác trong bản Đánh giá lại giữa kỳ là chương trình quy mô lớn với các chính sách ưu tiên người Mã Lai và các nhóm thiểu số bản địa khác. Đây cũng là một nhân tố gây bất ổn cho nền kinh tế và xã hội Malaysia.

Trước đây đã từng có hy vọng rằng chính phủ có tính đại nghị hơn của ông Mahathir sẽ đặt dấu chấm hết cho "chương trình hành động tích cực" vốn tồn tại lâu đời này tại Malaysia. Thế nhưng, bản Đánh giá lại giữa kỳ đơn giản chỉ tái khẳng định cam kết của chính phủ trong việc tiếp tục chương trình này.

Những chính sách lỗi thời và gây chia rẽ như vậy đã tạo nên những nhận thức tiêu cực về người Mã Lai đa số, gây cản trở trong các hoạt động đầu tư và khuyến khích nạn chảy máu chất xám của các cộng đồng thiểu số bị phân biệt đối xử.

Với Chính phủ Malaysia hiện nay, việc thực hiện những cải cách kinh tế tham vọng là điều có tính bắt buộc, nhất là trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với "những làn gió ngược" xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính phủ cần phải thay thế những phương pháp không hữu ích và nặng về dân túy như hiện nay bằng các chính sách trung hạn có thể giải quyết tình trạng méo mó và bất lợi của nền kinh tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao nền kinh tế đất nước mà còn giúp Chính phủ Malaysia "ghi điểm" với người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục