Vaccine của Trung Quốc có hiệu quả phòng ngừa các chủng virus SARS-CoV-2

11:45' - 17/07/2020
BNEWS Vaccine bất hoạt phòng COVID-19 do Sinopharm phát triển đã chứng minh hiệu quả phòng ngừa tất cả các chủng virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) Dương Hiểu Minh cho biết tới nay, một vaccine bất hoạt phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do tập đoàn này phát triển đã chứng minh hiệu quả phòng ngừa tất cả các chủng virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện, với khả năng và mức độ phản ứng bất lợi thấp hơn so với các vaccine cùng loại đang được nghiên cứu.

Cụ thể, ông Dương Hiểu Minh nêu rõ vaccine bất hoạt mà công ty này phát triển có hiệu quả với tất cả các chủng virus đã được phát hiện cho đến nay, bao gồm cả các chủng virus được theo dõi tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa ở Bắc Kinh".

Để thu được kết quả này, nhóm nghiên cứu của Sinopharm đã thực hiện các thí nghiệm bảo vệ chéo để kiểm tra xem liệu huyết thanh miễn dịch thu được từ động vật miễn dịch có thể tạo ra phản ứng miễn dịch với các kiểu gen khác nhau của các chủng virus.

Ông Dương Hiểu Minh cho biết 2 dòng vaccine COVID-19 bất hoạt được phát triển riêng bởi các Viện nghiên cứu của Sinopharm ở Bắc Kinh và Vũ Hán đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ hồi tháng 4.

Hơn 1.000 nhân viên của Sinopharm đã được tiêm vaccine trên cơ sở tự nguyện và kết quả cho thấy một xu hướng đầy hứa hẹn rằng vaccine an toàn và hiệu quả, với tỷ lệ nhiễm bệnh và mức độ phản ứng bất lợi rất thấp.

Kết quả giai đoạn I và II thử nghiệm lâm sàng của 2 dòng vaccine này đã được công bố vào tháng 6, cho thấy tất cả các thụ thể đã tạo ra các kháng thể có hiệu lực cao. Vaccine đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, và Sinopharm đã lưu trữ hơn 4 triệu liều vaccine.

Theo ông Dương Hiểu Minh, sau khi vaccine thử nghiệm được chấp thuận đưa ra thị trường, Sinopharm sẽ sớm có thể cung cấp nhiều liều vaccine đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Ông này dự kiến vaccine COVID-19 bất hoạt sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.

Hiện các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm ra những loại vaccine phòng bệnh hiệu quả cũng như các biện pháp điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19, nhằm giảm tải cho các hệ thống y tế trên thế giới trong bối cảnh virus tới nay đã tác động tới hơn 13 triệu người dân trên thế giới và buộc các nền kinh tế phải thu hẹp hoạt động để kiềm chế tốc độ lây lan.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, các chuyên gia ngành Khoa học Vật lý và Toán học của Đại học Chile (FCFM) và các bác sĩ Bệnh viện San Juan de Dios tại Chile mới đây đã phát triển một loại robot trị liệu tâm lý và hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tương tác với người thân từ bệnh viện.

Robot có tên là Pudú, có phần đầu được gắn một chiếc máy tính bảng được điều chỉnh phù hợp với độ cao của giường bệnh. Bệnh nhân có thể tương tác với các nhà tâm lý học, thành viên gia đình hoặc xem xét thông tin bổ sung qua chiếc máy tính bảng này.

Trong khi đó, các nhân viên y tế vận hành robot Pudú từ khoảng cách lên tới 30 mét qua tay cầm điều khiển từ xa tương tự như loại sử dụng trong máy chơi video game.

Các chuyên gia cho biết Pudú sẽ bắt đầu hoạt động chính thức vào ngày 20/7. Việc phát triển những robot hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện rất hữu ích cho cuộc chiến chống dịch bệnh đang trong giai đoạn căng thẳng ở Chile, phần nào giúp giảm áp lực nhân sự cho hệ thống y tế.

Với hơn 321.000 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có gần 7.200 ca tử vong, quốc gia này hiện đứng thứ 3 khu vực Nam Mỹ về tác động của dịch bệnh, sau Brazil và Peru./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục