Vaccine Sputnik V có khả năng vô hiệu hóa cao biến thể Omicron

08:05' - 18/12/2021
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 17/12, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã công bố nghiên cứu sơ bộ của Trung tâm Gamaleya về hiệu quả của vaccine Sputnik V đối với biến thể Omicron.

Nghiên cứu cho thấy Sputnik V có khả năng vô hiệu hóa cao biến thể Omicron và có khả năng bảo vệ mạnh mẽ tránh các trường hợp "bệnh diễn biến nặng và nhập viện”.

Thêm vào đó, Sputnik V cho thấy mức giảm khả năng vô hiệu hóa virus ít hơn nhiều so với các loại vaccine phòng COVID-19 hàng đầu khác: mức giảm ít hơn từ 3-7 lần so với vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Ngoài ra, theo ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Gamaleya, tiêm chủng vaccine Sputnik V và tái chủng ngừa sau 6 tháng giúp bảo vệ đầy đủ trước biến thể Omicron.

Biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở Botswana và Nam Phi vào giữa tháng 11. Biến thể chứa hàng chục đột biến trong protein S, cần thiết để mầm bệnh lây nhiễm sang tế bào, một số ý kiến cho rằng ban đầu biến thể này phát triển ở một người bị suy giảm hệ miễn dịch - có thể là người nhiễm HIV.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả những người đã khỏi bệnh và được tiêm phòng cũng có thể tái nhiễm Omicron, với các triệu chứng từ mệt mỏi đến nhức đầu và đau nhức cơ thể.

* Phóng viên TTXVN tại Praha dẫn thông tin của Hãng thông tấn Séc (ČTK) cho biết lô thuốc Molnupiravir đầu tiên gồm 14.400 hộp dùng để điều trị COVID-19 đã đến CH Séc vào sáng 17/12. Nhà phân phối sẽ bắt đầu chuyển thuốc đến ngay 110 bệnh viện trên toàn quốc, nơi bệnh nhân sẽ có thể nhận thuốc theo đơn của bác sĩ.

Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus, ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể bệnh nhân. Thuốc có dạng viên nang và là một lợi thế so với các loại thuốc hiện có để điều trị COVID-19, được gọi là kháng thể đơn dòng, phải sử dụng bằng cách tiêm truyền trong bệnh viện.

Công ty MaVe PR, đại diện của nhà sản xuất cho biết lượng thuốc hiện tại sẽ dành cho 14.400 bệnh nhân, một hộp thuốc là đủ cho một bệnh nhân.

Theo dữ liệu công bố của nhà sản xuất, thuốc có hiệu quả khoảng 50% trong việc ngăn ngừa nhập viện sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất được Reuters đưa tin vào cuối tháng 11, Molnupiravir chỉ có hiệu quả khoảng 30%.

Hồi tuần trước, Bộ Y tế CH Séc đã tạm thời quyết định cho phép sử dụng Molnupiravir, cho rằng loại thuốc này được bào chế để điều trị cho những bệnh nhân mắc triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình, trong khi những người có nguy cơ cao mắc bệnh trầm trọng cần phải nhập viện. Thuốc dành cho người từ 18 tuổi trở lên, ngoại trừ phụ nữ mang thai và cho con bú./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục