Vai trò của “đầu tàu” Đức – Pháp trong EU

05:30' - 05/12/2018
BNEWS Mặc dù có những bất ổn chính trị nội bộ, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn cần một nước Pháp và một nước Đức mạnh để tránh phải chứng kiến liên minh sụp đổ.
Vai trò của "đầu tàu" Đức-Pháp trong EU. Ảnh: Reuters

Đó là nhận định mới nhất của nhật báo Pháp Les Echos khi đề cập đến tương lai của EU trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển sâu sắc.

Theo nhật báo Pháp, trong khi Vương quốc Anh đang "hỗn loạn", chuẩn bị rời khỏi EU, đồng thời Italy và Ba Lan cũng đang xa rời các giá trị của châu Âu, "cặp đôi" Pháp-Đức trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Có một thực tế là trong EU hiện không có bất kỳ cặp nào có thể sánh với cặp Pháp-Đức.

Tây Ban Nha chưa thể giải quyết các vấn đề cốt lõi của mình, đặc biệt là nước này đang bị tác động từ vấn đề Catalunya. Trong khi đó, các nước châu Âu khác lại không có bất kỳ phương tiện hay tham vọng nào được đánh giá là cốt lõi cho nội khối. 

Les Echos cho rằng mối quan hệ giữa Berlin và Paris là cần thiết hơn bao giờ hết, song nó cũng rất dễ dàng tan vỡ vì sự suy yếu quyền lực ở cả hai cường quốc châu Âu này.

Từ nhiều thập kỷ qua, cặp Pháp-Đức được ngợi ca về tinh thần hòa hợp và hòa giải, thể hiện bằng những cặp đôi mang tính biểu tượng như De Gaulle-Adenauer, Giscard d'Estaing-Schmidt hay Mitterrand-Kohl..., và nay cặp đôi này vẫn đang tiếp tục giúp châu Âu hoạt động và phát triển.

Trong khi đó, các thành viên khác theo từng giai đoạn lại thể hiện sự thất vọng của mình đối với những gì họ cho là một điều buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, chính các vấn đề về tăng trưởng kinh tế và mối đe dọa từ Liên Xô trước đây đã khiến hầu hết các quốc gia trong EU phải bỏ qua "cái tôi" của mình.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Đức trở thành một nước thống nhất và EU được mở rộng. Việc 2 quốc gia áp đặt quan điểm sẽ dễ dàng hơn là một nhóm gồm 6-15 thành viên hay một nhóm 28 thành viên (sắp tới là 27 sau khi Anh rời EU).

Thế nhưng, sự cân bằng trong tương quan không cân đối - giữa một nước Đức năng động và thịnh vượng hơn về kinh tế và một nước Pháp tập trung về chính trị và chiến lược - đã bị suy giảm theo năm tháng. Khi Liên Xô tan rã, cùng với sự thống nhất trong hòa bình của các quốc gia độc lập, người Đức mới cảm thấy rằng "sự kết thúc của lịch sử" mà Giáo sư kinh tế - chính trị Mỹ Francis Fukuyama từng đưa ra đã khẳng định tính đúng đắn trong sự lựa chọn. 

Vẫn theo Les Echos, những biến động trong mối quan hệ Pháp-Đức ban đầu được coi là những dấu hiệu tốt nhất thì nay lại trở thành nỗi lo sợ về những điều tồi tệ hơn sau này. Nguyên nhân không phải là vì hai nước Pháp và Đức đã xa cách nhau, mà là vì ngay từ ban đầu hai nước này không thể gần nhau, và tiếp theo vì họ đang bị suy yếu về chính trị. 

Les Echos kết luận: về phương diện địa chính trị, lịch sử vốn nghiêng về Berlin thì nay đang có xu hướng xoay về phía Paris. Những đánh giá về địa chính trị đang tập trung vào những ưu tiên của Pháp.

Đó không phải là những thành quả rực rỡ trong xuất khẩu hay thặng dư khổng lồ về ngân sách để có thể đối phó với những thách thức chiến lược, mà là vào thời điểm khi Mỹ đang đề cao chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa biệt lập thì những "sáng kiến của Paris" chắc chắn thích hợp hợp hơn những "sáng kiến của Berlin".

Pháp và Đức có thể có cùng quan điểm về vấn đề quốc phòng hay quân đội của châu Âu, nhưng trên thực tế, "văn hóa" về kế hoạch này của hai nước lại hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy nguy hiểm hiện nay, châu Âu vẫn cần một sự bảo vệ tuyệt đối, trong đó vai trò của Pháp và Đức vẫn là mấu chốt./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục