Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

05:30' - 11/10/2018
BNEWS Từ sau khi bước vào giai đoạn mở cửa và cải cách cuối những năm 1970, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã dần khẳng định được vai trò ngày càng quan trọng của họ trong tăng trưởng kinh tế.
Huawei là một trong số 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu vừa được Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp toàn Trung Quốc công bố. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Hiện tại, lĩnh vực kinh tế tư nhân đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc và tạo ra hơn 80% việc làm cho người lao động.

Ông Zhang Wanqiang, nhà kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội tỉnh Liêu Ninh cho rằng việc phát triển doanh nghiệp và đầu tư tư nhân là yếu tố quan trọng đối với sự sống còn của kinh tế Trung Quốc. Điều này phản ánh những xu hướng mới trong tăng trưởng kinh tế nước này.

Những xu hướng này, theo chuyên gia kinh tế Hu Biliang tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Beijing Normal University), bao gồm sự tối ưu hóa cấu trúc ngành công nghiệp, giảm thiểu đầu tư nước ngoài thiếu hiệu quả và dành nhiều hơn nguồn vốn cho hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D).  

Nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc đánh giá các doanh nghiệp tư nhân nước này đã khai thác được những động lực tăng trưởng trong năm 2017, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế đang được thúc đẩy theo hướng tăng trưởng chất lượng cao. 

Theo danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu mới nhất được Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp toàn Trung Quốc (ACFIC) công bố cuối tháng Tám tại hội nghị thượng đỉnh 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Shenyang, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, doanh thu của 9 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất đã vượt 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44 tỷ USD) trong năm 2017.

Các công ty này gồm Huawei, Suning, Amer International, JD.com, Weiqiao Pioneering Group, Legend Holdings, Evergrande và Gome Holdings. Ngoài ra, trong số 500 công ty kể trên, có 61 doanh nghiệp có tổng tài sản trên 100 tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 và 11 doanh nghiệp khác có tổng tài sản lớn hơn con số của năm 2016. Để có thể được lọt vào danh sách trên, doanh nghiệp phải có doanh thu từ 15,68 tỷ NDT trở lên. 

Phó Chủ tịch ACFIC Huang Rong cho biết danh sách nói trên được lựa chọn từ hơn 4.600 doanh nghiệp tư nhân tự nguyện tham gia cuộc khảo sát của cơ quan này.

Trên thực tế, không phải toàn bộ các công ty tư nhân lớn đều tham gia cuộc khảo sát của ACFIC. Theo ông Huang, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc tiếp tục có được động lực tăng trưởng vững trong năm 2017, và tiếp tục tối ưu hóa cơ cấu nền kinh tế với những đóng góp nhiều hơn cho xã hội. 

Năm 2017, 162 công ty tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ đã lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp kể trên, tăng hơn 38% so với năm 2016. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp theo hướng xuất khẩu trong danh sách này cũng đã giảm từ 259 năm 2016 xuống còn 230 vào năm ngoái. Tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của 500 doanh nghiệp trên đạt khoảng 125,2 tỷ USD, giảm 16,28% so với năm 2016. 

Xu hướng thứ hai là việc giảm đầu tư ra nước ngoài của các công ty tư nhân. Ông Wang Zhile, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Thế kỷ mới Bắc Kinh về Các doanh nghiệp Xuyên quốc gia cho biết lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, các dự án đầu tư nước ngoài của 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đã giảm trong năm 2017.

Còn theo ông Hu, việc giảm này là kết quả từ những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế tình trạng đầu tư ra nước ngoài thiếu hiệu quả cùng với quan điểm thận trọng hơn của các doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài. 

Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều hơn các công ty tư nhân của Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào các nước và khu vực dọc theo Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của nước này trong năm ngoái. Chủ tịch tập đoàn TCL Li Dongsheng cho rằng sáng kiến BRI đã giúp tập đoàn này có được 47% doanh thu từ các thị trường nước ngoài.

Ông này cũng tin rằng sáng kiến BRI sẽ giúp TCL tăng trưởng doanh thu tại các thị trường nước ngoài mạnh mẽ hơn nhiều so với thị trường nội địa. 

Một xu hướng khác chính là việc tập trung đầu tư cho các hoạt động R&D. Số lượng người lao động thuộc lĩnh vực R&D của 189 công ty tư nhân có tên trong danh sách 500 công ty nói trên chiếm tới hơn 10% tổng lượng nhân công được tuyển dụng trong năm 2017.

Các công ty này đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra những ý tưởng và công nghệ mới giúp doanh nghiệp duy trì được sức cạnh tranh, cũng như tạo ra các thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Zhang Jin của Tập đoàn Cedar Holdings cho rằng có sự tương đồng giữa doanh nghiệp và quốc gia, nếu không có những sự cải tiến đột phá độc lập thì sẽ bó buộc sự phát triển. 

Theo các số liệu chính thức, cuối năm 2017, Trung Quốc có khoảng 65,79 triệu doanh nghiệp thuộc sở hữu cá nhân và 27,26 triệu công ty tư nhân, tạo công ăn việc làm cho khoảng 340 triệu người lao động. 

Đầu tư tư nhân của Trung Quốc đạt con số 38,2 nghìn tỷ NDT, tăng 6% so với năm 2016. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân đã ít sôi động hơn do những khó khăn về kinh tế, chi phí nguyên vật liệu và nhân công cao hơn, cùng với đó là ngày càng nhiều hơn các rào cản xuất khẩu và trở ngại trong tiếp cận nguồn vốn. 

Xu hướng này đã thúc đẩy các các quan chức liên quan của Trung Quốc thực hiện thêm nhiều các biện pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, như việc tạo điều kiện thông thoáng trong chấp thuận các dự án của các nhà đầu tư tư nhân; hạ thấp tiêu chuẩn để các doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào các lĩnh vực chủ chốt cũng như tạo điều kiện cho việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và hạ lãi suất cho vay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục