Vai trò của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong bảo đảm an ninh khu vực

07:20' - 29/10/2017
BNEWS Diễn đàn Đông Á đăng bài viết có tựa đề “Nền hòa bình lâu dài của châu Á có thể được duy trì?” của Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia và hiện là Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á ở New York.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 11 đã ký Tuyên bố chung về “Chung tay để thay đổi, hội nhập cùng thế giới”. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một cuộc khủng hoảng lâu dài, bắt đầu từ khi Liên Xô đào tạo các kỹ sư và nhà khoa học hạt nhân cho Triều Tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, tiếp theo là việc Triều Tiên trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) năm 2002 và giờ đây là hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.

Trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án, áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên nhưng vẫn chưa thể buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Châu Á đã thất bại trong việc tạo ra một tiếng nói đoàn kết trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên mà còn rất nhiều mối đe dọa khác liên quan đến sự ổn định lâu dài, an ninh và hòa bình của khu vực.

Rõ ràng có một nghịch lý lớn ở châu Á: một mặt hội nhập kinh tế xuyên khu vực đã giúp tăng cường sự thịnh vượng chưa từng có; mặt khác lại làm nảy sinh các mối đe dọa địa chính trị đối với an ninh khu vực.

Ở một mức độ lớn hơn, “phép lạ kinh tế châu Á” đã tạo ra sự tự mãn về địa chính trị khu vực. Một trong những vấn đề đáng tiếc ở đây là sự thất bại của khu vực trong việc tạo ra một thể chế an ninh-chính trị có khả năng củng cố các quy tắc, tập quán và văn hóa nhằm quản lý những căng thẳng địa chính trị.

Tuy nhiên, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại là một ví dụ khác. Trong 40 năm qua, đã không có bất kỳ cuộc xung đột lớn nào ở khu vực này. Khi Thái Lan và Campuchia nảy sinh xung đột năm 2008, chính sách ngoại giao của ASEAN đã chiếm ưu thế, giúp giải quyết mâu thuẫn giữa hai quốc gia thành viên này.

Bất chấp thành công của ASEAN, nửa thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo không thể thành lập một tổ chức an ninh chính trị song song cho toàn bộ khu vực Đông Á.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã phát triển thành một tổ chức kinh tế khu vực thành công, mặc dù Ấn Độ không phải là thành viên. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), có nhiệm vụ thúc đẩy chính sách an ninh cho khu vực rộng lớn hơn, chưa bao giờ làm việc hiệu quả.

ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) phát triển thành ASEAN+6 (thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand), và sau đó trở thành Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), mà bây giờ bao gồm cả Mỹ và Nga.

Thế giới đang tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Yonhap/TTXVN

Trong hai năm qua, một Ủy ban chính sách độc lập của Viện Chính sách Xã hội châu Á đã làm việc với nhau để tìm cách củng cố và nâng cao tính hiệu quả của EAS như là một tổ chức an ninh chính trị đối với khu vực rộng lớn hơn.

Ủy ban này bao gồm cựu bộ trưởng ngoại giao của các nước Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga; các cựu cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ và Mỹ. EAS có nhiệm vụ mở rộng hoạt động trong lĩnh vực an ninh. Tuyên bố Kuala Lumpur năm 2005 đã nêu rõ nhiệm vụ này. Hơn nữa, tất cả các thành viên của EAS đều đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC), cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Để bắt đầu, EAS cần một ban thư ký thường trực. Ban thư ký này nên được trao quyền để thành lập các nhóm làm việc tạm thời của EAS về những thách thức chính sách an ninh hiện tại và đang nổi lên.

Trong tương lai, Ban thư ký cũng có thể xem xét việc sắp xếp Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng bao gồm cả các nhà lãnh đạo của các nước EAS. Mục tiêu tổng thể của Ban thư ký sẽ là tạo ra những thói quen, quy ước, quy trình cho việc giải quyết, phòng ngừa khủng hoảng và tranh chấp trong khu vực rộng lớn hơn.

Căng thẳng khu vực liên quan đến chính sách an ninh hiện nay sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi hệ thống mới nổi của các liên minh cạnh tranh trong khu vực - giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và một bên là các cấu trúc bán liên minh của Trung Quốc thông qua một sự kết hợp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và có lẽ cả sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Một Hội nghị Cấp cao Đông Á mở rộng, có lẽ một ngày nào đó phát triển thành một cộng đồng Đông Á rộng lớn hơn hay một cộng đồng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ không tồn tại như một sự thay thế cho các cấu trúc liên minh hiện nay và trong tương lai.

Tuy nhiên, nó có thể phát triển các khái niệm an ninh chung, minh bạch quân sự và các cuộc diễn tập quân sự chung mà theo thời gian có thể giúp duy trì “hòa bình lâu dài” như các nước được hưởng lợi kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục