Vấn đề an ninh năng lượng và những tác động đối với Singapore

05:30' - 23/04/2022
BNEWS Cuộc khủng hoảng Ukraine đã buộc tất cả các nước chú ý đến vấn đề địa chính trị toàn cầu và đặc biệt là an ninh năng lượng, Singapore không phải là ngoại lệ.

Bài viết trên báo The Business Times cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã buộc tất cả các nước chú ý đến vấn đề địa chính trị toàn cầu và đặc biệt là an ninh năng lượng, Singapore không phải là ngoại lệ.

Mất an ninh năng lượng ở Tây Âu

Chiến lược Energiewende (Chuyển đổi năng lượng) cực kỳ đắt đỏ của Đức đã được thông qua vào năm 2010, nhằm mục đích nhanh chóng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và mục tiêu không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.

Trong một giai đoạn rất ngắn, Đức đã đóng cửa hầu hết các nhà máy điện than và điện hạt nhân của nước này, với kỳ vọng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời sẽ thay thế sự phụ thuộc của Đức vào nhiên liệu hóa thạch.

Kết quả thu được không đáng khích lệ, với việc quốc gia này có giá điện cao nhất thế giới và tỷ lệ "đói" năng lượng ngày càng gia tăng với các hóa đơn điện của các hộ gia đình tăng lên. Trớ trêu hơn nữa, nước này chỉ ghi nhận thành tích yếu kém trong mục tiêu phi carbon hóa do việc đóng cửa nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima (ở Nhật Bản) đã dẫn đến việc gia tăng sử dụng than đá và khí đốt tự nhiên.

Các yêu cầu thay thế nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến sự phụ thuộc thậm chí còn lớn hơn nữa vào than đá và khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga. Đức phụ thuộc rất lớn vào Nga về các nguồn cung cấp năng lượng, với Nga chiếm 60% khí đốt, 50% than đá và 35% dầu mỏ nhập khẩu của nước này. An ninh năng lượng dường như có rất ít hoặc không có vai trò trong định hướng chính sách của Đức. Đức đã ủng hộ mạnh mẽ dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, từ đó có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga đến Đức.

Sự thay đổi chính sách cấp tiến của Đức

Điều đáng quan tâm đối với các nước như Singapore, phụ thuộc vào nhập khẩu đối với gần như tất cả nhu cầu năng lượng của mình, là sự thay đổi điển hình trong các chính sách năng lượng của Đức sau cuộc xung đột tại Ukraine. Trong bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Đức ngày 27/2, Thủ tướng Olaf Scholz đã thông báo về một "bước ngoặt" trong các chính sách năng lượng của nước này.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết "không có sự cấm kỵ nào trong quá trình cân nhắc" liên quan đến các lựa chọn để kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và điện than của nước này hay nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Mùa Đông năm nay, châu Âu và Vương quốc Anh trải qua một cuộc khủng hoảng về năng lượng khi giá khí đốt tăng lên những mức kỷ lục. Điều này là do nhu cầu năng lượng gia tăng bởi sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau các đợt phong tỏa do dịch COVID-19. Giá khí đốt tự nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng và than đá tăng cao do một thời gian dài có ít hoặc không có gió, từ đó dẫn tới sự sụp đổ trong các nguồn cung năng lượng tái tạo cho lưới điện.

Chính phủ Đức hiện đang cân nhắc các lựa chọn nhằm kéo dài thời gian hoạt động các nhà máy điện than của nước này sau năm 2030. Trước đó, nước này đã cam kết đến năm 2030 loại bỏ hoàn toàn than đá. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga, Bộ trưởng Habeck cũng không loại trừ khả năng kéo dài thời gian hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này.

Đức giờ đây cũng đẩy nhanh các kế hoạch xây dựng hai trạm nhập khẩu LNG nhằm đa dạng hóa sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga. Đức có công suất dự trữ đáng kể - lớn nhất trong EU – với khoảng 23 tỷ m3 và hiện có kế hoạch mở rộng thêm 2 tỷ m3, đồng thời dự kiến đưa ra các quy định để đảm bảo yêu cầu dự trữ tối thiểu đối với các công ty tư nhân.

Những tác động đối với Singapore

Nếu thực tế năng lượng trở nên khó khăn đối với các nước như Đức và Anh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, thì dường như những động thái tăng thuế carbon gần đây của Singapore cần được tiến hành một cách thận trọng.

Giờ đây khi mà Đức và Anh đã bắt đầu chuyển hướng tập trung của họ khỏi các vấn đề về biến đổi khí hậu để hướng tới chủ nghĩa hiện thực về năng lượng, khi an ninh năng lượng một lần nữa trở thành mục tiêu chính sách quan trọng, Singapore cũng cần cân nhắc các kế hoạch dài hạn về năng lượng xanh của mình.

Động thái tăng thuế carbon quá mạnh trong tương lai có thể đe dọa một trong những lợi thế chiến lược lớn của nước này trong ngành lọc dầu và hóa dầu, đồng thời nhường lại khả năng cạnh tranh cho các đối thủ khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Vai trò dẫn đầu của Singapore trong lĩnh vực năng lượng khu vực với tư cách như "Houston của châu Á" có thể bị đe dọa.

Nhìn chung, quốc gia này, giống như các nước châu Á khác, sẽ phải xem xét các vấn đề về độ tin cậy, khả năng chi trả và an ninh năng lượng với mức độ khẩn cấp hơn sau cuộc xung đột tại Ukraine./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục