Vấn đề Brexit: Hậu quả có thể nặng nề hơn cả sự sụp đổ của Lehman Brothers

21:20' - 18/07/2016
BNEWS Brexit sẽ khiến doanh thu và vốn đầu tư giảm đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp thu hẹp kế hoạch thuê và tuyển dụng.
Brexit hậu quả có thể nặng nề hơn cả sự sụp đổ của Lehman Brothers. Ảnh:TTXVN

Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ gây thiệt hại nặng hơn nhiều so với sự sụp đổ của Tập đoàn chứng khoán - tài chính Lehman Brothers hồi năm 2008.

Đây là nhận định chung của các Giám đốc tài chính Anh và thế giới được phản ánh trong một nghiên cứu do hãng tư vấn Deloitte công bố ngày 18/7.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, hãng Deloitte đã tiến hành khảo sát 132 Giám đốc tài chính (CFOs) thuộc các tập đoàn tài chính - ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán London.

Đa số những người được hỏi tỏ ra bi quan về triển vọng của ngành tài chính - ngân hàng Anh thời kỳ hậu Brexit. Theo họ, Brexit sẽ khiến doanh thu và vốn đầu tư giảm đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp thu hẹp kế hoạch thuê và tuyển dụng.

Họ cho rằng thiệt hại do Brexit gây ra đối với nền kinh tế Anh cũng như thế giới sẽ nặng nề hơn "cú sốc" mang tên Lehman Brothers.

Hồi tháng 9/2008, Lehman Brothers - tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ, đã tuyên bố phá sản với khoản nợ kỷ lục 613 tỷ USD, khiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu càng thêm trầm trọng.

Trong số 132 CFOs tham gia khảo sát, có đến 73% bày tỏ sự quan ngại về triển vọng sản xuất, kinh doanh của tập đoàn mình. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2007 khi hãng Deloitte bắt đầu công bố nghiên cứu này.

Hàng loạt công ty tài chính đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận và doanh thu do lo ngại về những hệ lụy của Brexit. Nhà kinh tế trưởng Ian Stewart (I-an Xtê-oát) thuộc hãng tư vấn Deloitte cho biết sau khi người dân Anh quyết định rời khỏi EU, các tập đoàn tài chính đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng "phòng thủ" nhiều hơn nhằm "giữ sạch" bảng cân đối kế toán.

Họ tìm mọi cách giảm chi phí và sẵn sàng thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng ngừa rủi ro. 82% CFOs khẳng định doanh nghiệp của họ sẽ cắt giảm chi phí trong năm 2017. Con số này chỉ là 34% tại cuộc khảo sát hồi đầu năm 2016. Đa số các CFOs cũng nhất trí rằng về dài hạn, Brexit sẽ làm xấu đi môi trường kinh doanh tại Anh.

Để hỗ trợ nền kinh tế, các CFOs cho rằng Chính phủ Anh cần phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ về mục đích trong tiến trình đàm phán với EU. Theo Giám đốc Điều hành Deloitte, ông David Sproul (Đa-vít Xprâu), việc Chính phủ Anh nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo đã góp phần giảm thiểu nguy cơ gây bất ổn.

Tuy nhiên, chỉ có một vài CFOs tin rằng chính phủ nên ưu tiên cho chính sách cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công. Theo ông Stewart, nhiệm vụ hiện nay của Chính phủ Anh là phải thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp rằng Anh vẫn là nơi thích hợp để đầu tư và kinh doanh.

Trong khi đó, các CFOs nhấn mạnh Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cần tập trung vào nỗ lực duy trì khả năng thanh khoản cho toàn bộ hệ thống ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục