Vấn đề người di cư: Các nước Đông Nam Âu thiết lập điểm tiếp nhận chung

14:02' - 19/02/2016
BNEWS Ngày 18/2, lực lượng an ninh 5 quốc gia Đông Nam Âu tuyên bố đạt thỏa thuận thành lập một trung tâm đăng ký tị nạn chung tại biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia.
Vấn đề người di cư: Các nước Đông Nam Âu thiết lập điểm tiếp nhận chung. Ảnh: balkaninsight.com

Năm quốc gia dọc hành trình di cư ở Đông Nam châu Âu gồm Macedonia, Serbia, Croatia, Slovenia và Áo sẽ kết hợp trong việc tiếp nhận đăng ký nhập cư đối với những người tị nạn chiến tranh trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Phát biểu trước báo giới, cảnh sát trưởng Croatia Vlado Dominic cho biết thỏa thuận mới cho phép các lực lượng an ninh phối hợp tiếp nhận thông tin cá nhân và thông tin đăng ký của người nhập cư ngay tại biên giới Hy Lạp và Macedonia.

Thỏa thuận có hiệu lực ngay lập tức. Cảnh sát sẽ phỏng vấn trực tiếp người di cư để lấy thông tin cá nhân. Mục đích chính của thỏa thuận là nhằm đảm bảo những người không đạt yêu cầu sẽ ở lại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi những người đủ yêu cầu sẽ được đưa tới Áo trên các xe buýt và tàu đã được bố trí sẵn.

Sau đó, lực lượng an ninh Áo sẽ tiếp quản người nhập cư và chịu trách nhiệm sắp xếp cho những người này tới Đức. Việc kết hợp như vậy sẽ giúp cho quá trình đưa người di cư từ Hy Lạp tới Macedonia sau đó tới Áo thuận lợi hơn, tránh những vấn đề nảy sinh.

Cùng ngày, Quốc hội Bulgaria đã thông qua các biện pháp tăng cường quyền lực cho quân đội nước này bảo vệ biên giới quốc gia nhằm đối phó với dòng người di cư theo hành trình qua vùng Balkan nhiều khả năng sẽ tăng lên khi thời tiết ấm áp hơn.

Theo đó, thay vì chỉ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần cho các đơn vị bảo vệ biên giới như hiện nay, quân đội sẽ được phép kết hợp tuần tra biên giới trong các tình huống khẩn cấp như số người di cư đổ về biên giới tăng đột biến.

Bulgaria đã điều gần 2.000 cảnh sát canh gác 260km biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đang kéo dài hệ thống hàng rào thép gai dài 30km dọc đường biên giới này. Nhờ áp dụng những biện pháp kể trên, quốc gia thành viên EU này đã tránh được những áp lực từ dòng người di cư theo hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để tới Bắc Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục